Tin mới

Bầu Hiển và những quyết định khiến nhà đầu tư “thót tim”

Thứ hai, 09/02/2015, 16:29 (GMT+7)

Bầu Hiển với những quyết định đầu tư táo bạo đã không ít lần khiến các nhà đầu tư "thót tim", mới đây nhất là quyết định bỏ 500 tỷ mua gần 100\% cổ phần Cảng Quảng Ninh.

Bầu Hiển với những quyết định đầu tư táo bạo đã không ít lần khiến các nhà đầu tư "thót tim", mới đây nhất là quyết định bỏ 500 tỷ mua gần 100% cổ phần Cảng Quảng Ninh.

 

Những thương vụ khủng

Trong những ngày đầu năm mới, giới đầu tư chứng xôn xao bàn luận về ôngĐỗ Quang Hiển (bầu Hiển), nhưng lần này không liên quan gì tới ngân hàng, tới chứng khoán mà là về một kế hoạch lấn sang một lĩnh vực mới đầy táo bạo.

Với tiềm lực và thành công trong nhiều dự án M&A hay tái cơ cấu DN không mấy ai nghi ngờ dự định bỏ 500 tỷ đồng mua gần 100% cổ phần Cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển. Tuy vậy, cũng có không ít lo ngại.

Lĩnh vực đầu tư vào cảng biển chứa đựng rất nhiều rủi ro, đầu tư ban đầu lớn, trong khi đó hàng hóa vào ra chưa nhiều, nhất hàng container còn ít, thay vào đó phần nhiều là hàng rời, hàng tổng hợp. Đây là lĩnh vực mà không ít đại gia đã phải từ bỏ ý định ngàn tỷ từ trên giấy.

Gần đây, nhiều phiên đấu giá cảng biển diễn ra buồn tẻ, thất bại. Cảng Đà Nẵng đã thất bại trong cuộc đấu giá lần đầu và đang tìm mọi cách để khởi động lại.

Cho tới giờ này, việc mua Cảng Quảng Ninh mới chỉ là kế hoạch, T&T là DN đầu tiên tỏ ý mua lại toàn bộ cổ phần tại đây. Việc thành bại ra sao vẫn cần thời gian nhưng nó cho thấy những quyết định luôn mang tính táo bạo của đại gia có xuất thân từ nhà khoa học và đang nằm trong tốp những người giàu nhất trên TTCK.

Bầu Hiển dự định bỏ 500 tỷ đồng mua gần 100% cổ phần Cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Không chỉ khiến dư luận được một phen "nổi sóng" với quyết định mua Cảng Quảng Ninh, trước đó, bầu Hiển còn nổi tiếng với thương vụ sáp nhập để giải cứu Habubank khi ngập trong khó khăn với gánh nặng nợ xấu và những năm qua ông đã phải hao tốn sức lực tiền để để thực hiện vụ tái cơ cấu theo mô hình hợp nhất SHB và HBB.

"SHB bị Moody's hạ tín nhiệm là đương nhiên và cũng phù hợp vìHabubank thua lỗ. SHB là một ngân hàng tốt, 5 năm liền loại A nhưng tiếp nhận Habubank thua lỗ thì bị hạ bậc là không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp của SHB thì việc khắc phục đã có 1 phương án rất chi tiết và cụ thể cho từng DN, cho từng đối tượng khách hàng", ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ trong lễ công bố hợp nhất Habubank vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hồi tháng 8/2012.

Sau đó, thương vụ tái cơ cấu lại DN thủy sản đứng trên bờ vực phá sản Bianfishco của đại gia Diệu Hiền cũng khiến nhiều nhà đầu tư thót tim bởi khoản nợ quá lớn và phải giải quyết việc làm cho 5.000 công nhân cũng như liên quan đến sinh kế hàng ngàn nông dân. Tuy nhiên, sau hai năm, dưới tay của ông Hiển và cộng sự, Bianfishco đần lấy lại được thăng bằng để tiêp tụckinh doanh trả nợ.

Và bây giờ, với tham vọng lấn sân sang đầu tư cảng biển ông Hiển lại cho thấy những bước đi âm thầm và đầy táo bạo. Và nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của Bầu Hiển đã cho thấy đây dường như là một phong cách rất riêng của đại gia này. Ông luôn tấn công vào các lĩnh vực mới mẻ với chính mình từ kinh doanh điện tử, điện lạnh hồi đầu những năm 90, lắp ráp xe máy đầu những năm 2000 và rồi tấn công vào lĩnh vực ngân hàng với Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ, rồi chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, BĐS, khoáng sản và thể thao... Nhờ đó, ông biến Tập đoàn T&T thành một đế chế trong nhiều lĩnh vực, từ BĐS, tài chính, công nghiệp cho đến thể thao.

Chia sẻ vào thời điểm công bố sáp nhập Habubank, ông Hiển cho biết: "Ngay sau khi có chấp nhập nguyên tắc, lãnh đạo đã tổ chức họp đã thành lập ban quản lý nợ. Làm việc với từng chi nhánh và từng doanh nghiệp của Habubank, với 50 khách hàng lớn nhất (60% dư nợ cho vay), họp tới 12h đêm. Có DN cơ cấu nợ, có DN tái cấu trúc, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ, để duy trì sản xuất...".

Sự quyết liệt trong công việc là có thừa. Ông Hiển đã từng giáng chức nguyên TGĐ Habubank xuống làm nhân viên thu hồi nợ như một lời tuyên bố cho thấy trách nhiệm của nhân viên cũng như lãnh đạo trong công việc phải rõ ràng.

Giờ đây SHB đã ổn định, lợi nhuận tăng, nhân viên tăng. Vụ sáp nhập Habubank đầy khó khăn nhưng cũng giúp SHB lớn mạnh về quy mô, về mạng lưới và nhất là thanh danh khi đã góp phần vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bianfishco thoát khỏi bờ vực phá sản. Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội cũng chỉ cần 3 năm đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.

"Ngành thủy sản là một ngành tốt của Việt Nam. Bianfishco là một công ty lớn, máy móc thiết bị hiện đại nhất, có đầu ra tốt, có giấy phép xuất khẩu vào Mỹ - vốn rất khắt khao. Đây là lợi thế mà SHB muốn đầu tư vào để tái cấu trúc", ông Hiển chia sẻ.

Có thể thấy, DN tốt hay yếu kém phần lớn do quản trị. Bianfishco vỡ nợ do thiếu thanh khoản, đầu tư dàn trải, không đảm bảo dòng tiền trong quá trình hoạt động ở một thời điểm. Nhưng đây từng là DN hàng đầu trong một lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế. Habubank vướng mắc vào nhiều khoản cho vay khó đòi nhưng lại là cơ hội cho SHB tỏa sáng.

Với ngành cảng biển, đây cũng là một ngành đầy tiềm năng của Việt Nam. Không ít cảng tư nhân, cảng cổ phần hoạt động rất tốt, cổ tức chia cao vòi vọi. Vấn đề của ngành này là vốn đầu tư lớn và cần khả năng quản trị tốt.

Bầu Hiển với những quyết định táo bạo khiến các nhà đầu tư "thót tim".

Bầu Hiển giàu cỡ nào?

Bầu Hiển được biết đến là một đại gia ngân hàng có tiếng. Tên tuổi ông gắn liền với ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB). Tại SHB, bầu Hiển là người có tiếng nói lớn khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cùng với chức vụ, sức mạnh của bầu Hiển càng được củng cố khi ông nắm giữ lượng cổ phiếu không hề nhỏ. Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014, tại thời điểm cuối năm, bầu Hiển nắm giữ gần 26,7 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng 3,01% vốn SHB. Theo thị giá SHB ngày 29/1, số cổ phiếu này trị giá 248 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài số lượng cổ phiếu nói trên tại SHB, một số công ty khác liên quan đến bầu Hiển cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu SHB như Công ty CP Tập đoàn T&T nắm giữ trên 60,7 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng tỉ lệ 6,85%; Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu hơn 22,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,54% và Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) có gần 777.000 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 0,09%.

Như vậy, bầu Hiển cùng các cá nhân và tổ chức liên quan đang sở hữu hơn 123,56 triệu cổ phiếu SHB, chiếm gần 14% vốn điều lệ 8.866 tỉ đồng của ngân hàng này. Theo thị giá cổ phiếu SHB ngày 29/1, thì giá trị tài sản của Bầu Hiển đạt đến con số nghìn tỷ đồng.

Đang là một cán bộ làm khoa học, năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển là một trong số ít người bạo gan bỏ biên chế ở Viện nghiên cứu khoa học ra lập doanh nghiệp tư nhân. Sau 20 năm, ông là Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam trên thị trườngchứng khoán. Nhưng khi hỏi chuyện làm giàu, ông Hiển chỉ gọn lỏn: “Tôi giàu nhờ may mắn!”.

Năm 1993, T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.

Nhưng thời gian này không kéo dài lâu, bởi ông Hiển muốn làm ăn lớn hơn. Vào thời điểm những năm 1999-2000, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy.

Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp, ông tiếp tục thay đổi hướng kinh doanh cho mình.

Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông Hiển cũng góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của ngân hàng này.

Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).

Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.

Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao.

Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank đang gặp khó khăn. Việc sáp nhập tạo ra một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn những cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc giải quyết những khoản nợ xấu trước đây của Habubank.

Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009. Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào.

Được biết, Bầu Hiển ngoài chức vụ Chủ tịch của SHB, ông còn làm lãnh đạo ở các công ty, doanh nghiệp khác như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT SHF, SHS và một số công ty khác như: Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), Công ty bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Công ty CP T&T Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco)...

Ngoài ra, ông Đỗ Quang Hiển còn là chủ của đội bóng SHB Đà Nẵng, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, Uỷ Viên mặt trận tổ quốc Việt Nam.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news