Tin mới

Bé gái 6 tuổi cận kề cái chết vẫn lo bị "cô giáo đuổi học"

Thứ ba, 21/10/2014, 13:09 (GMT+7)

“Con đi bệnh viện lâu thế này cô giáo có đuổi học con không?” - nằm trên giường bệnh, bé Phàn Mẩy Phàn (người Dao, 6 tuổi) bị suy tim bẩm sinh đang cận kề cái chết ngây thơ hỏi bố.

 

 

“Con đi bệnh viện lâu thế này cô giáo có đuổi học con không?” - nằm trên giường bệnh, bé Phàn Mẩy Phàn (người Dao, 6 tuổi) bị suy tim bẩm sinh đang cận kề cái chết ngây thơ hỏi bố.

Thoi thóp sự sống

Sức khỏe cháu Phàn hiện rất yếu, cần được phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim gấp để được duy trì sự sống. ảnh Nguyễn Hòa

Không còn đôi mắt đen láy, lấp lánh sáng như những vì sao mà lần đầu tôi gặp. Bé gái Phàn Mẩy Phàn (6 tuổi, thôn Sùng Mắng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) nằm thoi thóp, mắt lờ đờ khô khốc không còn nước mắt để trào ra, khuôn mặt đơ cứng ngửa lên trời như người mất hồn, miệng khóc ré lên liên hồi trong cái cũi sắt (giường dành cho bệnh nhân - PV) của khoa Hồi sức Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Thân thể gầy ruộc, tím tái, từ đầu ngón chân cho đến khắp người cháu dán đầy những dây nối với các máy móc, thiết bị y tế đặt quanh giường.

Video:

 

 

Phàn mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, ngày bé cháu vẫn thường ốm đau, nhất là hay ho. Bố mẹ Phàn nghĩ con chỉ bị sưng phổi, vì lần nào cháu bị như vậy cho uống thuốc cũng khỏi, hoặc cháu tự khỏi nên gia đình không đưa đi bệnh viện khám.

“Nhiều lúc con ốm, em cũng muốn đưa đi viện nhưng không có tiền, sợ vào viện lắm. Khoảng 4-5 tháng trước, con bị ho rồi mặt sưng lên, tím ngắt. Có cho cháu uống thuốc nhưng không thấy khỏi như mọi lần, em mang con ra BV huyện Mèo Vạc, các Bác sĩ nói cháu bị suy tim nặng nên chuyển xuống BV tỉnh”, anh Phàn Vần Nhàn (SN 1985, bố cháu bé) kể.

Lên BV tuyến tỉnh, bác sĩ nói Phàn cần phải phẫu thuật tim, nếu không sẽ không sống được lâu nữa. Chi phí cho một lần phẫu thuật khoảng 100 triệu đồng. Nghe đến đây, anh Nhàn chỉ biết khóc, vài ngày sau đó anh làm thủ tục đưa cháu bé về nhà, chờ tử thần cướp mất đứa con.

“Nhà nghèo, cơm còn phải độn với ngô để ăn, chưa bao giờ em nghe thấy số tiền lớn như thế”, anh Nhàn cúi gằm mặt nói.

Những bữa cơm độn ngô

Chẳng nhớ nổi mình và vợ cưới nhau từ năm nào, trong tâm trí anh, Phàn Mẩy Việt (SN 1987, mẹ cháu Phàn) là cô gái xinh xắn nhất bản và anh đem lòng yêu thương từ lúc còn thanh niên. Sau đó, hai gia đình tổ chức đám cưới. Vợ chồng Nhàn sinh được 2 người con, trước cháu Phàn là một cháu trai năm nay đã 10 tuổi. Nhà cách chợ huyện hơn 10km đường núi, trên đó không có ruộng mà chỉ có nương ngô được trồng trên những vạt núi đá tai mèo. Nói là nương ngô nhưng đá nhiều hơn đất, để canh tác được trên đó người dân vùng cao phải gùi đất từ dưới chân núi lên đổ vào từng hốc đá và trồng ngô vào đó. Một năm, vợ chồng anh Nhàn chỉ thu hoạch được một vụ, điều kiện địa chất khắc nghiệt nên năng suất cũng thấp, năm được mùa thì thu hoạch khoảng 6 tạ.

Nhà nghèo, bữa cơm của gia đình anh Nhàn chỉ có cơm độn với ngô. 

Nhà cách xa chợ, thế nên thực phẩm hầu hết là tự cung tự cấp. “Trung bình một tháng được ăn 1 bữa thịt, vì chợ ở xa có đi cũng không có tiền mua. Ngoài trồng ngô với trồng rau nhà nuôi được một con lợn với mấy con gà nhưng chẳng bao giờ dám thịt ăn cả. Lợn ở trên này không được ăn cám tăng trọng, nuôi cả năm mới được bán. Ngô cho người ăn còn chưa đủ, lấy đâu cho lợn. Những lúc tháng 3-4 có bữa còn thiếu đói”, anh Nhàn cho biết.

Ngoài trông chờ vào nương ngô, một con lợn với mấy con gà thì những lúc nông nhàn ai thuê gì vợ chồng Nhàn làm nấy. Nhưng ở trên bản, cũng chẳng mấy khi có người thuê làm công nên gia đình hầu như chẳng có thu nhập nào thêm.

Trong cơn tuyệt vọng, anh đưa con từ BV về nhà phó mặc sự sống chết của cháu cho số phận. Được Chính quyền địa phương, Bệnh viện hướng dẫn làm thủ tục liên quan để được mổ tim miễn phí, cùng với sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm, anh đưa cháu Phàn xuống BV Nhi TƯ để tiến hành phẫu thuật.

"Không được gắn máy, cháu bé có thể đột tử bất cứ lúc nào"

Ngày 9/10, cháu Phàn được tiến hành phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, sau ca mổ, cháu lại xuất hiện biến chứng rối loạn nhịp tim.

Trao đổi với PV ngày 20/10, Bác sĩ Trần Hữu Đạt – Khoa Hồi sức ngoại khoa (đang trực tiếp điều trị) cho biết: “Cháu Phàn bị suy tim tương đối nặng, thời điểm nhập viện cơ thể bị phù nề, tím tái do bị tăng áp lực trong khoang màng phổi, sức khỏe yếu. Sau khi mổ, xuất hiện biến chứng rối loạn nhịp tim do bị block nhĩ thất cấp 3, cấp độ nặng nhất. Nhịp tim cháu chỉ khoảng 60lần/phút, thậm chí thấp hơn (nhịp tim trẻ em 6 tuổi trung bình từ 90-100 lần/phút), sức khỏe rất yếu. Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng máy kích thích nhịp tim và thuốc hỗ trợ co bóp cơ tim để duy trì sự sống cho cháu. Nhưng biện pháp này chỉ mang tính tạm thời”.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải - Khoa Nội tim mạch - BV Nhi TƯ nói: “Rối loạn nhịp tim là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật. Thông thường sau thời gian chăm sóc, theo dõi tại Khoa Hồi sức ngoại khoa nếu tình trạng kéo dài quá 7 ngày chúng tôi sẽ chỉ định phẫu thuật để gắn máy tạo nhịp tim vào cơ thể. Như trường hợp của cháu Phàn đến nay đã là ngày thứ 11, khoa cũng đã chỉ định phẫu thuật lần 2 để gắn máy tạo nhịp. Tuy nhiên, để tiến hành được ca phẫu thuật thì cần phải có chi phí hơn 200 triệu đồng. Với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi, theo quy định, bảo hiểm sẽ chi trả 60 triệu đồng. Như vậy, gia đình bệnh nhân phải chi trả khoảng 150 triệu đồng để tiến hành. Thế nhưng, gia đình thuộc hộ nghèo lại là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn như cháu Phàn là điều vượt quá khả năng. Với những hoàn cảnh khó khăn, phòng Công tác Xã hội của BV sẽ làm hồ sơ kêu gọi tài trợ, nhưng để quyên góp được đủ tiền cho một ca phẫu thuật không phải ngày 1 ngày 2 là có. Vì gánh nặng tài chính, nhiều gia đình đành đưa các cháu về”.

Cũng theo TS.BS Hải, biến chứng rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm, do nhịp tim chậm, nếu không được phẫu thuật gắn máy tạo nhịp tim thì bệnh nhân rất dễ bị suy tim và đột quỵ bất cứ lúc nào. Khi được hỏi về trường hợp của cháu Phàn, BS. Hải cũng không thể tiên lượng được thời gian sống của bệnh nhân nếu như không được phẫu thuật, nhưng có điều chắc chắn là nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Từng giây, từng phút trôi qua là sự sống đang tuột khỏi tay bé gái chưa một lần được bước chân vào lớp 1. Hơn lúc nào hết, hiện cháu Phàn đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của những tổ chức, các nhà hảo tâm và tất cả cộng đồng. Hãy chung tay, để cho cháu giành lại sự sống, viết tiếp giấc mơ và khát vọng đến trường.

Theo Đức Thuận - Người đưa tin 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news