Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018 và đây được xem là một thảm họa mang tính lịch sử kể từ khi một bác sỹ người Ba Tư định danh được căn bệnh này vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Dịch sởi trong những năm gần đây vẫn tái bùng phát, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn mặc dù khoa học kĩ thuật phát triển, vắc xin ngừa bệnh sởi đã ra đời từ rất lâu.
Theo nguồn tin từ TTXVN, tính đến hết tháng 3, cơ quan này đã nhận được báo cáo từ 172 quốc gia về 112.163 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới, cao hơn hẳn so với con số 28.123 ca của cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, số ca mắc sởi tại châu Phi trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng tới 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tại Madagascar - một trong những nước nghèo nhất Lục địa Đen, từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong.
Giáo sư Katherine O’Brien, Giám đốc Tiêm chủng và Vắcxin của WHO nhận định thế giới đang đi ngược lại những nỗ lực phòng tránh sởi. Theo bà, dịch sởi dù xảy ra ở một khu vực nhỏ cũng đem đến nguy cơ lớn cho cả nhân loại, bởi virus cũng như các mầm bệnh khác dễ dàng vượt qua mọi biên giới.
Bên cạnh đó, ước tính chưa đầy 10% ca bệnh sởi được báo cáo nên con số thật có thể lên tới hàng triệu.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 10/2018 cho đến đầu tháng 1/2019, trên cả nước đã có hơn 18.070 trường hợp bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, trong đó trên 2.920 trường hợp mắc sởi dương tính tại 56 tỉnh thành. Riêng tại Hà Nội, tính từ đầu năm 2019, dịch sởi bùng phát ghi nhận 412 trường hợp, tăng 14 lần so với năm 2018
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây lan và phát triển. Tuy là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể nhanh chóng lây lan bùng phát thành Dịch sởi 2019, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm phế quản... Trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh mạn tính là những đối tượng dễ mắc sởi bởi sức đề kháng yếu.
Để phòng ngừa dịch sởi Hà Nội bùng phát, Sở Y tế thành phố đang có nhiều biện pháp ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh. Mỗi người cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, hiểu về bệnh để có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh sởi hiệu quả.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi 2019 vẫn đang tăng cao, mỗi người hãy chủ động trong việc phòng ngừa bệnh, phát hiện các dấu hiệu bệnh sởi, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.