Tin mới

Bị đâm khi phát cơm từ thiện, chết không có tiền làm đám tang

Thứ bảy, 16/08/2014, 09:02 (GMT+7)

Theo lời chị T., vợ chồng chị kiếm tiền được ngày nào ăn ngày đó, chẳng có một xu dư dả. Khi anh Ph. chết, chị T. còn đúng 10.000 đồng mới đi xin được của một ông chủ tiệm thuốc tây.

Theo lời chị T., vợ chồng chị kiếm tiền được ngày nào ăn ngày đó, chẳng có một xu dư dả. Khi anh Ph. chết, chị T. còn đúng 10.000 đồng mới đi xin được của một ông chủ tiệm thuốc tây.


Mỗi lần được các nhà hảo tâm nhờ phát cơm hộp miễn phí cho người lang thang cơ nhỡ, hai vợ chồng anh Trần Minh Ph. và chị Hứa Thị Thanh T. đều hoàn thành nhiệm vụ. Rằm tháng 7 vừa qua, vì có quá đông người đến nhận nên anh Ph. không kịp đưa cơm cho một người lang thang tên Thanh. Tức giận, Thanh tức tối cầm dao đâm anh Ph. liên tiếp khiến anh này không kịp trở tay. Vì vết thương quá nặng, anh Ph. tử vong ngay tại chỗ, còn hung thủ nhanh chân bỏ trốn.

Làm ơn, mắc oán

Nhìn thân hình gầy gò, mái tóc được cắt trọc, chị Hứa Thị Thanh T. (SN 1983, tạm trú quận 6, TP.HCM) ngồi ôm đứa con trai hơn 2 tuổi còi cọc. Nước mắt giàn giụa, chị T. đang chờ người nhà làm thủ tục để đưa xác chồng chị là anh Trần Minh Ph. (SN 1991, tạm trú quận 6, TP.HCM) về mai táng.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật vào chiều 11/8, chị T. nghẹn ngào cho biết: “Chồng tôi có phát cơm lấy công của người ta đâu, anh ấy được người ta nhờ làm việc đó. Vậy mà người ta nỡ đâm anh ấy chết thảm như vậy”.

Cũng theo lời chị T., anh chị thương yêu nhau, có con với nhau chứ thực ra chưa có cưới xin gì. Trước, anh chị đi lang thang hết hẻm này đến công viên khác vì không có nơi ở cố định. Sau khi chị sinh con trai đầu lòng thì anh chị mới thuê phòng ở chung. Hàng ngày, chị T. thường bồng con đi xin ăn, còn anh Ph. thì ai thuê gì làm nấy. Khi không ai thuê mướn thì anh chị lại đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Cách đây khoảng 2 năm, có một người đàn bà tốt bụng đến nhờ vợ chồng anh Ph. cứ tầm 16h chiều đến 19h hàng ngày đứng ở vòng xoay đường Phạm Đình Hổ - Lê Quang Sung (thuộc địa bàn phường 2, quận 6, TP.HCM) để phát khoảng 40 suất cơm cho người lang thang cơ nhỡ. Thấy công việc không mất quá nhiều thời gian, lại  được ăn cơm miễn phí, anh Ph. và chị T. chiều nào cũng đến nhận cơm để phát.

Như thường lệ, khoảng 18h ngày 11/8, vợ chồng anh Ph. bế con ra chỗ giao cơm. Lúc đó có rất đông người lang thang đến lấy cơm ăn, anh Ph. và chị T. đang giao cơm thì đối tượng Thanh chen vào lấy cơm. Do quá đông người nên anh Ph. chưa kịp đưa cơm cho Thanh. Quá háu ăn, Thanh chửi anh Ph. mấy câu rồi rút con dao Thái Lan từ trong người ra, đâm anh Ph. mấy nhát.

Hiện trường vụ việc (Ảnh trái) và Bà L. (áo trắng) đau đớn trước cái chết của con trai (Ảnh phải)

Vẫn còn chưa hết kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến chồng bị đâm, chị T. bức xúc nói: “Khi tôi quay qua thì thấy chồng tôi bị Thanh đâm mấy nhát. Chồng tôi gục xuống máu chảy lênh láng. Tên Thanh còn chạy vào nhà bán gạo gần đó lấy cái cây người ta thường dùng xiên gạo để đâm tiếp chồng tôi. Tôi chỉ biết ôm chồng khóc còn mọi người sợ quá chạy toán loạn”.

Theo lời chị T. mô tả thì Thanh cũng là dân lang thang nhưng thường xuyên có mặt ở khu vực này. Chị N.T.K., một người bạn của Thanh cho biết: “Tên Thanh cao gầy, trông giống người Hàn Quốc. Chẳng ai biết hắn quê ở đâu, từ phương nào đến. Tên cũng chẳng biết có chính xác không. Dân lang thang như bọn tôi chẳng biết đứa nào tên thật, đứa nào tên giả, vì ai nói sao biết vậy”

Chết rồi cũng không có tiền làm đám tang

Cũng theo lời chị T., vợ chồng chị kiếm tiền được ngày nào ăn ngày đó, chẳng có một xu dư. Khi anh Ph. chết, chị T. còn đúng 10.000 đồng mới đi xin được của một ông chủ tiệm thuốc tây. Biết tin con trai gặp nạn, ba mẹ anh Ph. có đến, nhưng hai người cũng nghèo nên không giúp vợ anh Ph. được gì. Bà Nguyễn Thị L. (57 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), mẹ anh Ph. nói trong nước mắt: “Khổ lắm cô ạ, gia đình tui cũng nghèo, tui đi ở đợ cho người ta, chứ có phải người có của ăn của để gì đâu nên khi con chết cũng chẳng có tiền mua hòm cho nó, tiền ma chay là của em gái tôi lo cho. Vợ nó cũng sống lang thang nên chẳng có đồng nào. Thương cháu thì tôi mới nói chuyện, chứ nó (chỉ chị T.) là đứa không ra gì, tôi đâu có ưng làm dâu con, nên tôi không tổ chức cưới xin gì hết”.

Cũng theo lời bà L. thì gia đình bà là người gốc TP.HCM. Tiếng là dân thành phố nhưng nhà bà nghèo rớt mùng tơi, một mái nhà để chui ra chui vào cũng không có, bà toàn đi ở đợ cho người ta để lấy tiền nuôi con. Bà có ba đứa con, nhưng chỉ có Ph. là con trai duy nhất. Do cuộc sống quá khó khăn nên Ph. phải sớm bươn chải. Cách đây 4 năm, Ph. nói với ba mẹ là đi làm ăn, sau đó, dắt chị T. về ra mắt gia đình. Bà L. không chịu vì chị T. người gầy tong teo, tóc cắt trọc lóc, lại hơn Ph. nhiều tuổi.

Nỗi đau xé lòng của chị T. khi thấy xác anh Ph. được đưa ra.

Là người mẹ, dù biết nhà nghèo nhưng thấy đứa con trai duy nhất của mình lấy một người “không giống ai”, bà L. cũng xót xa, sợ sau này con mình sẽ khổ. Nghe tin chị T. lại mắc nghiện nên bà L. ra sức ngăn cản, không cho anh Ph. lấy chị T.. Chị T. buồn bã cho biết: “Mẹ chồng chê tôi không ra gì, nên không cho tôi lấy anh Ph.. Chúng tôi dọn về ở với nhau, không đăng ký kết hôn, cũng không cưới xin gì hết. Anh Ph. nói ba mẹ không ưng thì sau này có cháu sẽ ưng. Nhưng khi sinh bé trai rồi ba mẹ anh ấy cũng không thừa nhận tôi. Giờ, anh Ph. chết rồi, tôi vẫn không được thừa nhận là con dâu”.

Chị T. khóc nức nở như một đứa trẻ, khi kể về hạnh phúc nhỏ nhoi của mình. Chị bảo dù mình là dân “đầu đường xó chợ” nhưng cũng đã từng có những ngày vợ chồng hạnh phúc khi sống với anh Ph.. Do chị đã mấy lần vào trại cai nghiện nên bị gia đình bỏ bê. Nhiều lúc chị cũng cảm thấy cuộc sống quá bế tắc nhưng nhờ có anh Ph. nên chị đã thấy yêu đời, vui vẻ hơn. Chị T. nói: “Từ nhỏ, tôi chẳng được học hành, cũng chẳng biết nói câu nào cho hay ho. Chỉ khi làm vợ anh Ph., tôi mới thấy đời vui biết bao nhiêu. Dù công việc hàng ngày của tôi là ngửa tay xin người ta tiền, chồng đi lượm ve chai, nhưng ai cho cơm thừa canh cặn, chúng tôi đều để dành về phòng ăn cùng nhau. Con tôi cũng vậy, nó còn nhỏ nhưng được ai cho gì cũng để phần cho ba mẹ”.

Ngồi bên cạnh, đứa con trai bé bỏng của vợ chồng chị T. vẫn hồn nhiên nhõng nhẽo mẹ. Thấy mẹ khóc, bé lấy tay lau nước mắt cho mẹ khiến ai cũng mủi lòng. Chị T. ôm chặt con vào lòng nói: “Bây giờ tôi đã ốm yếu, cũng chẳng biết sống được bao lâu nữa. Anh ấy cũng đã bỏ mẹ con tôi mà đi rồi. Chỉ thương con trai của tôi, sau này chắc nó cũng lang thang như ba mẹ nó, Đau lòng quá”. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy hốc hác của người đàn bà bất hạnh chỉ biết ôm chặt đứa con trai vào lòng mà khóc...

Kẻ thủ ác, dù có trốn tránh đến đâu rồi cũng sẽ phải trả giá. Nhưng tội ác mà hắn đã gây ra mãi mãi là nỗi đau không bao giờ có thể phai mờ với gia đình nạn nhân. Mong cho hai mẹ con chị T. qua cơn bĩ cực này và tương lai của con trai chị sẽ xán lạn hơn ba mẹ nó.

Đang điều tra làm rõ đối tượng gây án

Chiều 11/8, trao đổi với PV về vụ việc, một cán bộ Công an phường 2 (quận 6, TP.HCM) cho biết: “Sau khi nhận được thông tin từ người dân, công an phường 2 đã nhanh chóng xuống nơi xảy ra vụ án để bảo vệ hiện trường. Lợi dụng lúc hỗn loạn, sau khi gây án, đối tượng Thanh đã nhanh chân chạy trốn. Cơ quan công an đang xác định danh tính đối tượng tên Thanh này. Hiện Công an quận 6 đang tiếp tục điều tra theo thẩm quyền”.

Theo Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news