Tin mới

Bị đau nhức xương khớp chớ nên ăn những thực phẩm sau dù ngon đến mấy

Chủ nhật, 05/02/2023, 20:42 (GMT+7)

Cách bạn lựa chọn thức ăn hàng ngày có thể giúp bạn giảm đau liên quan đến viêm xương khớp.

Chuyên gia đưa ra lời khuyên

Bác sĩ Trần Thị Hồng Loan, Hệ thống phòng khám dinh dưỡng Nutrihom cho biết, ăn uống kiểm soát để đạt cân nặng chuẩn là yếu tố đầu tiên bảo vệ cơ xương khớp. Có rất nhiều thực phẩm tốt cho cơ xương khớp, nhóm đầu tiên là các thực phẩm giàu canxi và vitamin D.

Cần ăn đủ chất đạm từ các thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, nấm, rong biển và một số các loại hạt như óc chó, macca, hạnh nhân. Đạm hỗ trợ tế bào cơ bắp, tăng trưởng khối cơ. Cơ thể không thể phục hồi các tế bào cơ xương khớp bị tổn thương nếu ăn không đủ đạm.

Ngoài ra, người đang có vấn đề xương khớp cần bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi... Những loại cá ở biển giúp kháng viêm, giảm đau, đồng thời cân đối đạm thực vật với đạm động vật, không tạo gánh nặng cho cơ thể.

Cơ xương khớp đang viêm cần rất nhiều rau củ quả vì đây là nhóm thực phẩm chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, làm giảm thoái hóa giúp cơ xương khớp phục hồi. Mỗi ngày, bạn nên bổ sung ít nhất 200 gram các loại quả và 300 gram rau, củ. Ăn đa dạng các loại rau, củ, quả có màu sắc cầu vồng rất tốt cho cơ thể.

Rau gia vị như gừng, tỏi hành chứa các hoạt chất giúp phòng chống tình trạng cơ xương khớp bị viêm.

Đậu bắp, nếp là những chất hỗ trợ khô khớp tốt nên cũng có nhiều tác dụng trong việc bảo vệ các bệnh cơ xương khớp.

Để giảm đau bạn có thể dùng thuốc giảm đau tạm thời cho xương và có chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh minh họa.
Để giảm đau bạn có thể dùng thuốc giảm đau tạm thời cho xương và có chế độ ăn uống lành mạnh. Ảnh minh họa.

Những thực phẩm cần tránh để giảm đau nhức xương

Những thực phẩm bạn ăn có thể giúp giảm đau nhức xương, trong khi đó có một số loại đồ ăn lại làm cho tình trạng này tồi tệ hơn.

Thịt đỏ đã qua chế biến: Các sản phẩm như xúc xích nhiều chất béo, bánh mì kẹp thịt dễ gây viêm và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về khớp do các loại thịt chế biến quá kỹ này có chứa nitrit và purin. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Musculoskeletal Disorders đã chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ tươi có liên quan đến việc giảm nguy cơ thay khớp háng so với thịt chế biến sẵn. Do đó, những người bị đau nhức xương nên ăn thịt nấu chín bình thường thay vì ăn thịt chế biến sẵn.

Đồ uống có đường: Nhìn chung, đồ uống có chứa đường bổ sung, chẳng hạn như nước ngọt có ga và nước chanh hoặc trà có đường, cũng có liên quan đến chứng viêm. Điều này có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về khớp. Do vậy, uống quá nhiều nước ngọt có ga và đồ uống có đường khác dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương.

Sữa nhiều chất béo: Mặc dù các sản phẩm từ sữa có một số tác dụng có lợi đối với xương của bạn do chứa canxi, nhưng chúng cũng có thể có hại do chứa casein, một chất góp phần gây ra chứng viêm ở khớp.Theo chuyên gia Hembree, các sản phẩm từ sữa như sữa nguyên kem, bơ hoặc các loại kem giàu chất béo có thể gây đau khớp nhiều hơn ở một số người.

Một số loại hải sản: Có một số loại hải sản gây nguy cơ đau nhức xương cao hơn những loại hải sản khác. Ăn quá nhiều cá như cá cơm, cá ngừ, sò điệp và cá mòi chứa một lượng lớn purine. Purine phân hủy thành axit uric, sau đó sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khớp có thể dẫn đến bệnh gout (bệnh gút).

Lưu ý: Một chế độ ăn uống chống oxy hóa và chống viêm rất tốt cho sức khỏe tổng thể và có ảnh hưởng có lợi đến sự phát triển của bệnh viêm xương khớp. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn hãy nhớ kết hợp chế độ ăn uống cân bằng với việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, thích ứng linh hoạt với tình trạng đau khớp của bạn.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news