Tin mới

Bi hài chuyện cho con "đi lính"

Thứ năm, 21/05/2015, 14:31 (GMT+7)

Từ kinh nghiệm của nhiều giảng viên, hướng đạo viên đang làm việc tại một số trung tâm KNS cho thấy sự thành công hay thất bại của học viên trong rèn KNS chính là tâm lý người tham gia.

Từ kinh nghiệm của nhiều giảng viên, hướng đạo viên đang làm việc tại một số trung tâm KNS cho thấy sự thành công hay thất bại của học viên trong rèn KNS chính là tâm lý người tham gia.

Nếu đó là mong muốn và nguyện vọng thực sự của trẻ, của học viên thì phụ huynh mới nên quyết định đăng ký học tại các trung tâm KNS. Nếu không, trẻ sẽ phản ứng và có những hành động gây khó khăn cho nơi tiếp nhận.

Tiếp tục đến một trung tâm Kỹ năng sống (KNS) khác có tên gọi trung tâm phát triển KNS S.K., văn phòng đặt tại một trường THCS trên phố Hai Bà Trưng, PV lại được thấy cách thức hoạt động khác về đào tạo KNS. 

Bi hài chuyện cho con

Phụ huynh cần phải cẩn trọng trong việc chọn trung tâm rèn KNS cho con mình.

Điều dễ nhận thấy nhất ở trung tâm này là đưa học viên vào “học kỳ quân đội” lấy kỷ luật quân đội để rèn các KNS cho học viên. Em Hoàng Trọng An, một học viên tại trường chia sẻ: “Bọn em thường được các thầy hướng dẫn theo từng chủ đề và thực hành ngay ví dụ để học cách kiềm chế và xử lý những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, tức giận... 

Thầy giáo hướng dẫn các bạn một cách kìm nén cơn giận dữ bằng cách viết tên hoặc điều làm các bạn tức giận lên quả bóng bay rồi chọc nổ. Bằng cách đó, cơn giận dữ sẽ tiêu tan hoặc giảm bớt theo mỗi tiếng nổ đoàng của bóng bay và các cảm xúc tiêu cực sẽ bay biến đi lúc nào không biết”. 

Với nhiều phụ huynh, việc cho con đi học các lớp kỹ năng trở thành một trào lưu vì nó đã đem lại những hiệu quả nhất định. Anh Phạm Văn Tráng, phụ huynh của một học viên tham gia một khóa học kiểu học kỳ quân đội ở T.V. đã nhận định: “Sau khóa học 10 ngày, cháu đã có những tiến bộ rõ rệt. Cháu tự tin hơn trước đám đông, nói năng dõng dạc hơn. Về nhà cháu vẫn thực hiện sinh hoạt như trên trường, sáng dậy đúng giờ tập thể dục, hàng ngày cháu vẫn tập những động tác như đứng con lăn, tập tung bóng. 

Điều mà tôi, người cha sinh ra và sống với cháu 10 năm nay cảm nhận được sự trưởng thành của cháu là khi tôi đọc bản tường trình về kết quả thu được sau 10 ngày “đi bộ đội”. Tôi nhận thấy con tôi đã học được những KNS, có ước mơ và những định hướng để đạt được ước mơ. Đó là những thiết yếu của cuộc sống mà không có trường học nào dạy. Tôi nghĩ ấn tượng của khóa học này sẽ theo cháu suốt đời”. 

Tuy vậy, để có được kết quả như ý, các bậc phụ huynh vẫn phải “đãi” trung tâm tìm nơi gửi gắm vì với những phụ huynh như chị L.H.T. (Đống Đa, Hà Nội), lớp KNS với chị là một kỷ niệm buồn. 

Chị chia sẻ: “Hè 2014 tôi có đăng ký cho con tham gia học kỳ quân đội, đóng mức phí tới 5,2 triệu đồng (một chi phí không phải là nhỏ - PV). Vì tin tưởng các cán bộ quản trại trưởng thành từ phong trào Đoàn, tôi mới đồng ý cho con gái của mình đi. Thế nhưng, trên thực tế những gì tôi nghe kể lại từ con gái mình và một số trại sinh khác, các biện pháp kỷ luật mà họ áp dụng đối với các trại sinh lại quá phản giáo dục”. 

Theo chuyên gia tâm lý Chu Thơm, trách các lớp KNS không có trình độ 5 thì cũng phải trách phụ huynh 10. Vì sao trước khi đưa trẻ đi học lại không tìm hiểu kỹ xem lớp này có đủ các yếu tố để con mình học không, hay chỉ tin vào lời quảng cáo giới thiệu? Lỗi cũng ở phụ huynh. 

“Tôi thấy rằng, chính phụ huynh cũng không quan tâm đến chất lượng lớp học nên nhiều lớp kỹ năng mọc lên mà không có cách dạy hiệu quả. Nhiều phụ huynh bận đi làm, hè đến trẻ được nghỉ 2 – 3 tháng, không có người quản lý nên đành “nhắm mắt đưa chân” vào các lớp như thế này để có người... giữ trẻ. Tư duy này rất nguy hiểm”, ông nói. 

Chuyên gia này cho rằng trẻ từ 5 tuổi trở lên thì có thể tiếp thu được một số bài học kỹ năng đơn giản, lớn hơn chút nữa thì có thể học được cách giao tiếp với người lớn. Mỗi độ tuổi, trẻ đều có một “độ” tâm lý nhất định. Trẻ em hiện nay với đời sống và quan hệ xã hội phức tạp nên giáo dục các KNS là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi đưa con em mình đi học cần thận trọng và tìm hiểu kỹ các lớp học, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”. 

T.Xuân – V. Hậu – L. Thành

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news