Hơn một tháng trở về từ cõi chết, chị Tuyết vẫn bàng hoàng trước sự việc xảy ra. Đêm đêm, chị vẫn giật mình thảng thốt khi nghe thấy một tiếng động lạ…
1. Những ai từng trải qua sự đổ vỡ về tình cảm, mới thấu hiểu được chất chứa ngổn ngang đang giằng xé trong lòng chị Đinh Thị Tuyết, người phụ nữ bị chính người chồng chung chăn, chung gối hơn hai mươi năm tìm cách sát hại… Số phận may mắn, giúp chị giữ lại được mạng sống nhưng trong lòng người đàn bà ấy, cảm xúc đã chết. Động lực duy nhất giúp chị vượt qua những ngày sóng gió này là cậu con trai hiện đang học tập tại Hà Nội.
Có người bảo, vì sao chị không giải thoát cho mình bằng việc ly hôn khi cả hai không còn tình cảm với nhau. Nếu vậy, có lẽ sẽ không có kết cục đau lòng của ngày hôm nay. Nhưng chỉ có những người trong cuộc mới hiểu, vì sao chị phải làm điều đó. Bởi lẽ chẳng người đàn bà nào muốn tự tay phá nát gia đình của mình. Chị dù có mạnh mẽ đến mấy cũng chỉ là một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Chị cũng cần một người đàn ông để bầu bạn và hơn hết chị không muốn chỉ vì cái tôi của mình mà những đứa con thơ phải tan đàn, xẻ nghé…
Lúc chúng tôi đến, căn nhà của chị Tuyết đang trong giai đoạn hoàn thiện, đồ đạc để vương vãi khắp nơi. Sau sự cố xảy ra (ngày 4/3, chị Tuyết bị chồng đột nhập vào nơi ở, dùng dao chém trọng thương), sức khỏe của chị suy giảm rất nhiều. Chị Tuyết chẳng thiết gì ăn uống, nằm liệt giường liệt chiếu, người gày gò xanh xao như tàu lá chuối. Căn nhà đang làm dang dở, chị cố thuê thợ hoàn thiện, cái điều chị cần là một mái ấm thật sự chứ không phải chỉ là căn nhà trống hươ trống hoác nay đã tan vỡ. Nhưng chị lại tự động viên mình, nếu chị gục ngã lúc này thì con trai chị biết nương tựa vào ai. Chị đã bị mất đi một đứa con… chị không muốn lại phải mất mát thêm nữa.
Bên chén trà ấm nồng, câu chuyện đời của người đàn bà ấy đã khiến chúng tôi nhiều lần rơi lệ: Theo lời kể của chị Tuyết thì nhà ở Nguyên Giáp (Tứ Kỳ, Hải Dương) tức là cách nhà anh Nguyễn Đức Toại ( thôn Quan Lộc, xã Tiên Động) cũng không xa. Thế nhưng, chị lại quen biết anh Toại, người chồng sau này chung chăn chung gối qua sự mai mối, giới thiệu của một người bạn. Chị và anh Toại quen biết nhau trong thời gian ngắn rồi đồng ý về làm vợ của anh Toại khi chưa hiểu nhiều về người đàn ông mà chị quyết định gửi gắm cả cuộc đời. Chính vì thế mà mãi đến khi tổ chức đám hỏi, chị mới biết rằng anh Toại đã từng có một đời vợ.
Anh Toại và người vợ trước có với nhau một mặt con nhưng sau đó đứa trẻ này đã không may mắn bỏ đi vĩnh viễn, còn người vợ cũ của Toại thì không chịu được sự vũ phu của Toại cũng bỏ đi. "Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời" lẽ ra khi biết điều này, chị Tuyết phải dừng lại trước khi quá muộn. Nhưng rồi chị lại tặc lưỡi cho qua. Chị không ngờ rằng, quyết định sai lầm này trở thành bi kịch của cả đời chị.
Chị Tuyết lập gia đình đầu năm thì cuối năm sinh hạ cậu con trai đầu lòng, thời gian đầu họ sống cùng với gia đình bên chồng, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Thời gian sau này, vợ chồng chị tách ra ở riêng, tài sản duy nhất là miếng đất nằm sát lề đường được cha mẹ chồng cho.
Chỉ một thời gian ngắn sinh sống, anh Toại đã bộc lộ những tính xấu của mình, anh thường xuyên cáu kỉnh, ít quan tâm đến chuyện gia đình. Biết tính chồng, chị Tuyết nhẫn nhịn cho gia đình được trên thuận dưới hòa. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn… khi chị sinh cậu con trai thứ hai thì cuộc sống gia đình đã bắt đầu tù túng, những trận cãi vã diễn ra thường xuyên hơn.
Trong gia đình nhà chồng có người ủng hộ chị, song cũng có người đổ lỗi cho chị, không biết giữ hạnh phúc gia đình. Sự việc ngày càng trở nên căng thẳng thì vợ chồng chị mở một quán bán hàng ăn trên mảnh ao được bố, mẹ chồng cho thêm. Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, anh chị có đồng ra, đồng vào nhưng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng vì thế cũng ngày càng gay gắt hơn, nguyên nhân bắt nguồn từ việc anh Toại ghen bóng, ghen gió với việc chị Tuyết nói cười với khách đến ăn nhậu. Sự việc sau đó được gia đình hai bên nội ngoại khuyên giải nhưng tình cảm của hai vợ chồng vì thế mà cũng sứt, mẻ rất nhiều. Họ sống với nhau bằng trách nhiệm chứ không còn tình cảm…
Giọng rầu rầu, chị Tuyết nói với chúng tôi: “Đỉnh điểm của mâu thuẫn bắt nguồn từ những năm 2007 và 2008, khi chồng tôi bắt đầu sa đà vào cờ bạc. Anh ấy đi thâu đêm suốt sáng, chẳng đoái hoài gì đến nhà cửa và con cái. Ban đầu, tôi cũng nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng anh ấy không thay đổi. Toàn bộ đồ đạc của gia đình đều bị nướng vào những canh bạc đỏ đen… Không chỉ lấy tiền để trong tủ bán hàng, anh ấy còn mang xe máy đi cầm cố. Cũng từ thời gian đó, anh ấy đổi tính, rất dễ cáu gắt, hễ có điều gì trái ý là có thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với tôi. Bố chồng tôi thương con dâu thường sang khuyên bảo nhưng chồng tôi không nghe. Có khi, anh ấy còn cãi lại cả bố đẻ. Vì thương tôi, bố chồng tôi đã nhiều lần khuyên tôi bỏ đi đâu làm ăn xa vài năm rồi trở về vì ông bất lực không thể dạy bảo được con trai. Giờ thì ông cũng mất rồi…”, chị Tuyết ngậm ngùi.
2. Hơn một tháng trở về từ cõi chết, chị Tuyết vẫn bàng hoàng trước sự việc xảy ra. Đêm đêm, chị vẫn giật mình thảng thốt khi nghe thấy một tiếng động lạ… Cứ nhắm mắt vào những hình ảnh kinh hoàng của buổi tối mùng 4/3 lại mồn một hiện về.
Tối hôm đó, như thường lệ chị Tuyết đi ngủ rất sớm. Theo thói quen, chị chỉ đóng hờ then cửa vì như vậy còn cơ hội chạy thoát thân… Nửa đêm hôm đó, chị đang ngủ thì nghe thấy có tiếng động mạnh. Bằng linh cảm, chị biết ngay đó là anh Toại. Vì thế, chị ngồi dậy, nấp vào sát chiếc tủ ở gần đó. Khi ấy, chị phát hiện Toại cầm dao cùng một chiếc đèn pin đi vào…
Theo bản năng, chị dùng hết sức bình sinh chống cự quyết liệt. Nhưng cuối cùng, chị vẫn bị người chồng cũ dùng dao chém nhiều nhát vào đầu khiến chị ngất lịm đi. Khi chị Tuyết tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong một căn phòng trắng toát với mùi thuốc khử trùng, chị chợt hiểu ra tất cả. Hơn mười ngày nằm điều trị ở bệnh viện, nỗi đau bên ngoài thể xác không bằng nỗi đau dày xé trong tâm can chị. Vợ chồng khi mặn nồng ân ái là vậy, thế nhưng khi đã không còn tình cảm thì đối xử với nhau chẳng khác gì kẻ thù. Mà chị có lỗi gì đâu…
- Khoảng thời gian nào, chị biết anh Toại đã tử vong?
Khoảng 7-8 ngày sau đó, tôi biết chồng mình đã qua đời. Có lẽ do anh ấy nghĩ rằng, tôi sẽ chết vì mất máu nên dùng dây điện buộc vào ngón tay tự sát.
- Chị có hận anh Toại không?
Người chết thì cũng đã chết rồi. Nếu anh ấy còn sống chắc tôi và anh ấy cũng chẳng thể nhìn mặt nhau. Nhưng anh ấy chết là thiệt thân… Tôi chẳng muốn hờn trách gì nữa.
Đi hết hơn 20 năm nhưng chị Tuyết chẳng hiểu mấy về người chồng đã từng chung chăn, chung gối. Đêm đêm, chị thao thức chẳng thể yên giấc, cố tìm ra câu trả lời để lý giải cho hành động tàn ác của anh Toại nhưng không thể. Trước đó, không ít lần chị nói với anh Toại: "Ông giết tôi thì có khác gì ông giết con ông" nhưng trong thâm tâm, chị nghĩ rằng đó là câu nói đe dọa của anh Toại, trong lúc nóng giận, chẳng ngờ anh dám làm một việc tày đình như thế.
Sống trong một ngôi nhà nhưng thực tế thì anh Toại và chị Tuyết đã "đồng sàng và dị mộng" từ lâu. Vậy nhưng, vì nhiều lý do cả hai đều không muốn phá đi cái gọi là gia đình, vốn chỉ tồn tại trên tờ giấy.
Theo lời kể của chị Tuyết thì năm 2011, sau những bất đồng chẳng thể hòa giải, anh Toại bỏ vào miền Nam làm ăn. Những ngày anh Toại đi biền biệt, một mình chị vừa chăm lo việc buôn bán vừa nuôi dạy hai con đang tuổi ăn tuổi lớn, vất vả thật không kể xiết bằng lời. Những tưởng cuộc sống giờ sẽ được yên bình thì một tai họa bất ngờ đã xảy ra.
Năm 2013, con trai lớn của chị gặp nạn trong một vụ Tai nạn giao thông thảm khốc, cháu bị chấn thương sọ não. Sau một thời gian ngắn điều trị ở bệnh viện, chị đưa con về nhà chăm sóc, với một niềm hy vọng dẫu là mong manh về sự sống của đứa con dứt ruột mang nặng, đẻ đau. Khi biết con trai bị tai nạn, anh Toại chồng chị cũng trở ra Bắc nhưng chỉ được một tháng đầu anh ta để tâm đến con, sau đó lại ngựa quen đường cũ. Chống chọi với bệnh tật trong thời gian ngắn, con trai chị cũng bỏ chị mà đi, để lại trong lòng người mẹ ấy nỗi đau đớn tột cùng.
Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, sau khi lo ma chay chu toàn cho con trai, anh Toại bắt đầu trở chứng, căn nhà của hai vợ chồng được chia làm đôi. Anh Toại đi sớm về khuya rồi lại lôi kéo bạn bè về nhà ở lại qua đêm. Những mặt hàng chị buôn bán vì thế cũng bị lấy mất… Trong tình cảnh ấy, chị buộc phải bịt chiếc cửa thông nhà bằng một giá sách, cũng từ đây anh chị chính thức ly thân với nhau. Họ chỉ ở cách nhau một bức tường nhưng hai bên biển trời cách biệt. Anh và chị không nói với nhau dù chỉ một lời…
- Vì sao chị không giải thoát cho chính mình ?
Khoảng năm 2010, chồng tôi nộp đơn tại tòa nhưng sau đó anh ấy xin rút lại. Anh ấy nói với tôi rằng tao không bỏ mày. Tao muốn để cho mày chết dần, chết mòn, không bỏ để cho mày sống nhởn nhơ được… Rồi sau đó, nhiều lần anh ấy sang nhà đánh tôi. Các con trai tôi thương mẹ nhưng chúng nó chẳng biết làm gì hơn, phận làm con "áo mặc sao qua khỏi đầu".
- Chị nhiều lần bị chồng đánh đập, luôn phải sống trong tâm trạng lo sợ, sống mà không bằng chết… Vì sao chị không báo cáo sự việc này lên chính quyền xã và nhờ sự can thiệp của chi hội phụ nữ ?
Hồi còn ở chung một nhà, tôi thường xuyên bị chồng đánh đập nhưng kể từ sau khi con trai tôi qua đời, ông ấy tuyệt nhiên không qua lại. Hàng ngày, tôi vẫn bán hàng tạp hóa còn ông ấy vẫn mở cửa hàng ăn sáng nhưng không ai hỏi đến ai. Hơn nữa. "xấu chàng hổ ai", những lúc bị đánh tôi cũng định tìm đến sự can thiệp nhưng lại xấu hổ…
Cứ như thế, người đàn bà ấy nhẫn nại và âm thầm chịu đựng. Chị nghĩ rằng vì con chị sẵn sàng hy sinh tất cả. Bởi hôn nhân đổ vỡ, tất cả những người trong cuộc đều thiệt thòi, người đầu tiên là những đứa trẻ, con của chị, sau đó là đến người phụ nữ phận mỏng cánh chuồn như chị. Trong vụ việc đau lòng này, cũng có lỗi một phần ở chị. Chị quá yếu đuối, không dám tự đứng lên đấu tranh cho sự tự do của mình. Giờ thì mọi sự đã quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Bây giờ niềm an ủi lớn nhất của chị Tuyết là cậu con trai đang học tại Hà Nội. Hạnh phúc của con trai cũng là hạnh phúc của chị…
Theo CAND