Bố mẹ có cần lo lắng về giấc ngủ của con?
Mặc dù rắc rối vê giấc ngủ dường như không thể tránh khỏi nhưng bố mẹ vẫn cần cố gắng giải quyết chúng bởi giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não và thể chất của trẻ.
Thời thơ ấu là thời điểm quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh. Việc thiếu ngủ có thể gây tác động suốt đời. Chất lượng hoặc số lượng giấc ngủ không đủ có thể ảnh hưởng tới hành vi, hiệu suất học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc. Nó cũng liên quan đến sự tăng cân và béo phì. Trẻ ngủ ít có xu hướng ăn nhiều hơn và nặng hơn.
Trẻ cần ngủ bao nhiêu?
Có rất nhiều quan niệm về việc trẻ cần ngủ bao nhiêu. Những hướng dẫn nghiêm ngặt không phải lúc nào cũng hữu ích cho mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, vẫn có những lời khuyên chung dành cho các bậc phụ huynh.
Thời gian ngủ của trẻ thay đổi khi chúng lớn lên, trung bình từ 10-17 tiếng ở thời điểm 6 tháng cho tới 8-11 tiếng khi 11 tuổi.
Tuy nhiên, đây chỉ là những hướng dẫn sơ bộ. Nếu con bạn đang phát triển bình thường và số lượng giấc ngủ của bé không gây xáo trộn lớn cho gia đình thì có lẽ các bé đã ngủ đủ. Nếu ngược lại, bố mẹ cần tìm cách giải quyết vấn đề bởi hậu quả tiềm ẩn cho trẻ và gia đình rất đáng kể.
Để trẻ ngủ ngon mỗi đêm là cả một quá trình rèn luyện của cả bố mẹ lẫn bé. Ảnh: Mirror
Lời khuyên để bé có một đêm ngon giấc
Bước đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề giấc ngủ là cho bé đi ngủ. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia để đảm bảo gia đình bạn có một đêm yên bình:
- Đảm bảo bé hoạt động bình thường vào ban ngày. Cho bé tập thể dục vào buổi chiều sẽ khiến bé dễ buồn ngủ vào buổi tối. Tuy nhiên, bố mẹ cố gắng không làm điều này gần sát giờ đi ngủ bởi việc quá kích thích có thể gây phản tác dụng.
- Cho bé đi ngủ cùng một thời điểm mỗi tối để tạo một thói quen nhất quán. Khi đó, bé biết đã đến lúc nghỉ ngơi.
- Thư giãn trước khi ngủ khoảng 30-60 phút bằng việc tắm nước ấm cho bé. Nó giúp giảm căng thẳng. Điều này rất cần thiết bởi hormon cortisol có thể khiến bé khó ngủ.
- Tránh cho bé ăn những loại thực phẩm, đồ uống dễ gây kích thích như đồ ăn chứa đường hoặc caffeine trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ. Thay vào đó, bố mẹ có thể cho bé ăn những thực phẩm dễ ngủ như sản phẩm từ sữa và đậu nành, đậu và gạo. Tất cả những sản phẩm ấy đều chứa axit amin tryptophan, một thành phần thiết yếu của hormone kích thích giấc ngủ là serotonin và melatonin. Nên cho bé ăn khoảng 45-60 phút trước khi đi ngủ.
- Phòng của bé cần ấm áp, yên tĩnh, mờ ảo và thoải mái. Nếu trẻ không muốn ngủ, bố mẹ có thể dùng một món đồ chơi mềm như gấu bông để dỗ bé.
Tại sao trẻ không ngủ?
Khi đã cho trẻ lên giường, thử thách tiếp theo của các bậc cha mẹ chính là dỗ bé ngủ. Thời gian dỗ dành này tùy vào từng bé. Sẽ có bé nhõng nhẽo để giữ bố mẹ ở bên mình. Ban đầu, bạn có thể thỏa mãn những yêu cầu của trẻ nhưng cần đặt ra giới hạn bởi theo thời gian, điều này có thể hình thành thói quen xấu cho trẻ.
- Không để màn hình điện tử trong phòng ngủ. Chúng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Thay vào đó, bố mẹ hãy hình thành thói quen đọc truyện cho bé trước khi ngủ. Việc này sẽ giúp con bạn thư giãn và thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa bạn và bé trong giờ ngủ.
- Một số trẻ sợ bóng tối và căng thẳng đến nỗi không ngủ được. Bạn hãy lắp đèn ngủ mờ hoặc để đèn hành lang và cửa phòng ngủ hơi hé để khắc phục điều này.
Giúp bé ngủ xuyên đêm
Việc trẻ thức dậy vào ban đềm là điều bình thường, đặc biệt là những bé hay thức giấc để bú. Tuy nhiên, khi bé đã lớn hơn, nhu cầu này giảm dần và bé cần học cách ổn định lại giấc ngủ.
- Việc rèn cho trẻ ngủ xuyên đêm cần kiên nhẫn. Khi trẻ tỉnh dậy, bố mẹ cần trấn an để trẻ quay lại giấc ngủ, nhưng cũng cần giới hạn để không hình thành thói quen cho bé.
- Ngủ ngoan cần được khen thưởng và củng cố. Bạn có thể tặng cho bé những ngôi sao trên biểu đồ cho mỗi đêm bé ngủ ngoan để thúc đẩy bé.
- Nhiều bậc cha mẹ cho trẻ ngủ chung để bé được ngon giấc. Điều này phù hợp với những trẻ còn nhỏ nhưng cần xem xét nghiêm túc bởi ngủ chung với bé làm tăng nguy cơ SIDS (đột tử ở trẻ sơ sinh). Ngủ chung cũng có thể gây ra những vấn đề khiến bé cần nhiều thời gian để tách ra ngủ riêng hơn.
- Nhiều phụ huynh băn khoăn về việc trẻ khóc lúc nửa đêm. Điều này liên quan đến thời gian bố mẹ can thiệp khi trẻ bắt đầu khóc và phản ứng. Lời khuyên được đưa ra là bố mẹ chỉ cần can thiệp trong chốc lát để trấn an trẻ khi các bé khóc. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với trẻ dưới 6 tháng tuổi và bố mẹ cần đảm bảo trẻ khóc không phải do khó chịu, đau đớn hay bị ốm.