Tin mới

Bí quyết sống của làng trường thọ giữa lòng Hà Nội

Thứ sáu, 22/05/2015, 09:54 (GMT+7)

Làng Thọ Lão (ở nơi giáp ranh giữa 2 xã Thọ Xuân và Thọ An của huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) được xem là ngôi làng có nhiều người sống thọ.Chính chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi được Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thọ Xuân cho xem cuốn sổ ghi tên những người cao tuổi lên đến gần 100 người.

Làng Thọ Lão (ở nơi giáp ranh giữa 2 xã Thọ Xuân và Thọ An của huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) được xem là ngôi làng có nhiều người sống thọ.Chính chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi được Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thọ Xuân cho xem cuốn sổ ghi tên những người cao tuổi lên đến gần 100 người.

Kỳ bí ngôi làng cổ

Nằm cách trung tâm thị trấn Phùng (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) khoảng 4km là làng Thọ Lão, ngôi làng có số lượng lớn những “bô lão” hiện đang sinh sống. Đó là ngôi làng đặc biệt với 8 cụ ở tuổi ngoài 90, có 30 cụ ở tuổi 85 và độ tuổi từ 70- 85 thì làng có đến cả 100 người.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ hãy còn nguyên nét cổ xưa, pha ấm trà ngon mời khách, cụ Trần Đức Mai (78 tuổi, hiện là người nắm vững nhất lịch sử làng) lục tìm trong chiếc tủ cũ lấy ra cuốn sổ có liền 2 thứ chữ (là chữ Việt và chữ Hán Nôm), lật dở từng trang và kể lại tường tận chuyện trong làng: “Ngày xưa, làng Thọ Lão có từ phía bên Vĩnh Phú, người dân địa phương thường hay lấy sông Hồng làm mốc giới, phía Vĩnh Phú là bờ Bắc, còn phía bên Hoài Đức phủ là bờ Nam. Ngày ấy cứ hễ lỡ bên bờ Bắc là đất lại bồi sang bờ Nam, nên dân địa phương cắt cử người sang khai hoang (trước đây đã 300 năm, căn cứ vào sắc hiệu Quang Trung thứ V năm 1792 và Cảnh Thịnh năm 1946).

Cụ Trần Đức Mai.

“Cho tới thời điểm này, đã có đến 9 đời người dân sinh sống trên đất này, kể từ người đầu tiên đến đây quai đê mở cõi. Tên làng Thọ Lão, bởi đây là ngôi làng có nhiều cụ già sống thọ. Khi xưa vào đời nhà Trần, trong một lần vua đi ngang qua ngôi làng, dân chúng tôi ra xếp thành hai hàng cúi chào nhà vua, vì thấy ngôi làng lúc bấy giờ số các “bô lão” nhiều, nên nhà vua đã đặt cho làng cái tên ứng với thực tế địa phương chúng tôi - đó là làng Thọ Lão”, cụ Mai kể.

Câu chuyện xây dựng đình làng Thọ Lão cũng là một câu chuyện dài và hết sức ly kỳ, đình làng được dựng lên 4 lần thì cả 4 lần người làng gặp chuyện không may, buộc phải di chuyển vị trí.

Trong suốt những năm đó, trong làng không có ai làm đến quan to hoặc có thì cũng “đứt gánh giữa chừng”. Đại diện làng đã mời một ông thầy cao tay đến để xem thế đất, lần dò long mạch tìm nơi ở mới. Đến lần thứ 5, người dân trong làng mới ổn định, làm ăn sung túc, con em học hành đỗ đạt cao và làm nên chuyện lớn.

Xuất phát từ tích làng về đôi voi bạch được hiến cho nghĩa quân, đôi voi sau đó được đưa về đình làng để thờ phụng. Đến nay, hình tượng của 2 cụ voi biểu tượng cho sức mạnh của dân làng về ý chí chiến đấu ngoan cường trước quân giặc.

Làng có nhiều "bô lão"

Cụ Mai chia sẻ tiếp: "Cả làng có 8 cụ ngoài 90, 30 cụ tuổi 85 và đến cả trăm người có độ tuổi từ 70- 85 là số liệu cũ và chưa đầy đủ. Đến nay con số các cụ cao niên ở độ tuổi ngoài 90 có lẽ đã tăng lên nhiều, vì người già mất đi ở đây thời gian này ít, trong khi ở độ tuổi kế cận lại khá đông. Sống thọ chủ yếu là phụ nữ, còn nam thì sống ít thọ bằng”.

Năm nay, ông Trần Quảng Ngãi cũng đã 75 tuổi, nhưng ngoài mái tóc bạc trên đầu ra thì nhìn ông rắn rỏi chẳng khác trai làng là bao. Ở tuổi ấy, nhiều người đã để phần công việc lại cho con cái mà rảnh tay nghỉ ngơi, sớm hôm vui vầy cùng con, cùng cháu. Sở dĩ ông Ngãi chưa muốn nhàn hạ là bởi ông thấy sức mình còn như “con trâu mộng” ngoài đồng, như cọp, beo trên núi thẳm. Sức lực còn, lại có tính siêng năng cần cù nên ông không chịu ngồi không.
Ông Ngãi chia sẻ: “Mình dù có tuổi nhưng nhìn thấy con cháu làm lụng vất vả cũng không đành lòng, nên xắn tay áo lên giúp chúng nó. Hơn nữa, mình hãy còn đang khỏe mạnh chứ chưa đến nỗi nằm 1 chỗ để rồi cơm bưng nước rót.Đàn ông làng tôi hồi nào đến giờ vẫn thế, không chịu ngồi không”.

Nhắc về bí quyết giúp những dân ở đây được trường thọ, cụ Mai chia sẻ: “Thực ra cuộc sống xưa kia của người dân làng Thọ Lão không có gì là khá giả, thậm chí là rất khó khăn. Nhưng được cái chúng tôi biết cách rèn luyện và lao động đúng mực để giữ gìn sức khỏe.

Ngày nay cuộc sống đỡ vất vả hơn, nên chúng tôi đăng ký tham gia vào các câu lạc bộ thể thao, văn hóa văn nghệ để rèn luyện sức khỏe, tinh thần được thoải mái, lạc quan hơn nên sống thọ đến 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh như thường. Từ trước đến nay, câu chuyện sống thọ trên 100 tuổi và khỏe mạnh cho đến lúc mất ở làng Thọ Lão không còn là chuyện lạ lùng gì. Gần đây nhất có cụ Nhãn đã sống khỏe mạnh cho đến 103 tuổi mới mất…”.

Tục trai làng chỉ lấy vợ trong làng không còn nữa

Cụ ông Trần Đức Mai chia sẻ: “Mặc dù không có quy ước nào của làng Thọ Lão quy định, nhưng hàng bao đời nay, chủ yếu trai làng chỉ lấy vợ trong làng mà không lấy con gái làng khác. Tuy nhiên, đến nay thì điều này đã không còn nữa, vì con em trong làng đi làm ăn xa, rồi quen nhau ở ngoài nên số lấy vợ, lấy chồng ở bên ngoài cũng không ít”.

Một cán bộ UBND huyện Hoài Đức chia sẻ: “Hằng năm từ ngày 8/3 - 10/3 âm lịch, người dân làng Thọ Lão lại tổ chức lễ hội để đón quý khách thập phương, cùng bách gia trăm họ về đây thắp nén hương thơm với lòng thành kính, nhớ ơn các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tốt tươi, con em học hành đỗ đạt. Vào thời điểm đó, sân đình lúc nào cũng chật kín các cụ “bô lão” trong làng”.

 

Nhiều cụ “bô lão” tham gia ngày hội ở đình làng Thọ Lão.

 

Hoàng Giáp - Minh Vũ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news