Theo Nguyễn Văn Tuân – Thủ khoa ĐH Quốc gia đạt Á khoa Y Hà Nội, đồng thời là Á khoa ĐH Y Hà Nội, bên cạnh sách giáo khoa thì sách tham khảo và đề thi là hai công cụ không thể thiếu để “vượt vũ môn” thành công.
Ở mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Nguyễn Văn Tuân (THPT Ứng Hòa B, Hà Nội) đã đạt thủ khoa ĐH Quốc gia Hà Nội với 28,5 điểm khối A ( Toán 9,25; Vật lý 9; Hóa 10), đồng thời "rinh" ngôi Á khoa của ĐH Y Hà Nội với 29 điểm (Toán 10; Sinh 10; Hóa 9), chỉ thua người về nhất 0,5 điểm.
Gia đình Tuân thuộc hộ cận nghèo của thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Bố làm nghề phụ hồ, bốc vác, mẹ trồng cấy, chăn nuôi và khâu dép thuê với tổng thu nhập hàng tháng chỉ 1-1,5 triệu đồng. Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuân rất ít đi học thêm mà chủ yếu là tự học ở nhà trên cơ sở bài giảng của thầy cô trên lớp và sách tham khảo.
Thủ khoa ĐH Quốc Gia Hà Nội, Á khoa ĐH Y mùa tuyển sinh 2014. Ảnh: Dân trí |
Trao đổi với phóng viên sau 2 năm "vượt vũ môn", Tuân vẫn nhớ như in quá trình học THPT, ôn luyện thi ĐH với những "bí quyết" giúp em thành công.
- Thời điểm này các em học sinh lớp 12 đang gấp rút ôn luyện và chuẩn bị hồ sơ cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. Vậy theo em, thời gian này các thí sinh nên làm gì để có một kỳ thi tốt và đạt được những dự định của ban thân và gia đình?
- Hiện tại giờ đã là tháng 3 chỉ còn khoảng thời gian không dài nữa là sẽ tới kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời của các bạn học sinh. Chắc chắn là ngoài mong muốn của bản thân thì còn có áp lực không nhỏ từ gia đình. Năm em thi cũng vậy, trong khoảng thời gian này em rất " khủng hoảng ", và lo lắng nhưng giờ nghĩ lại thì em thấy không nhất thiết phải như vậy. Ôn luyện kĩ cộng với sự tự tin, cẩn thận là chìa khóa cho một cánh cửa đại học. Với thời gian bây giờ, em nghĩ nên ôn lại cẩn thận những kiến thức mình có, đảm bảo sự chắc chắn đã, với những phần mà chưa vững thì ngay lập tức hỏi bạn bè thầy cô để làm sáng tỏ. Việc ôn lại nên bám vào sách giáo khoa kết hợp với giải đề sẽ đạt kết quả tốt.
- So với năm 2014 - năm Tuân thi ĐH, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ hai năm nay đã có sự thay đổi về phương thức khi Bộ GD-ĐT quyết định gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH vào làm một. Tuy nhiên, về cấu trúc và phạm trù nội dung đề thi về cơ bản không khác biệt nhiều. Vậy Tuân có thể chia sẻ về bí quyết ôn thi, làm bài thi giúp em đạt kết quả thủ khoa?
- Đề thi đại học của Bộ GD thực sự nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa, không phần nào ngoài chương trình. Em dành nhiều thời gian đọc sách giáo khoa, đặc biệt là các môn hóa, sinh, vật lý vì các môn này có những câu hỏi kiểm tra lý thuyết. Việc đọc sách giáo khoa phải tiến hành thường xuyên đều đặn. Em đọc từ nghỉ hè lớp 11, đọc lại sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 đến lúc thi. Bên cạnh sách giáo khoa thì sách tham khảo và đề thi là hai công cụ không thể thiếu. Em tập làm đề từ sớm: lớp 10 11 xem qua các đề thi thử, tìm những câu nào có thể làm được thì " xử lý " luôn. Sang lớp 12 thì đẩy mạnh việc làm đề hơn, mỗi buổi tối làm đề thi thử một trong bốn môn mà em sẽ thi, có bấm giờ, trình bày rõ ràng, sau đó so sánh đáp án hoặc nhờ thầy cô sửa lỗi. Cứ như vậy tốc độ giải đề của em nhanh dần lên.
Nhờ việc tập luyện giải đề ở nhà thường xuyên nên khi vào phòng thi em không quá bỡ ngỡ, làm đúng như những gì mình dự định. Kinh nghiệm làm bài thi của em cũng như nhiều thế hệ thí sinh ai cũng biết là "dễ làm trước khó làm sau ". Môn Toán đọc đề bài là có thể xác định nó khó hay dễ, từ đó quyết định có làm luôn hay bỏ qua. Tuy nhiên với lý hóa sinh thi trắc nghiệm ta không thể làm được như vậy thì hãy làm hết một lượt lý thuyết trước đã, sau đó làm phần bài tập, mất thời gian ở một câu nào đó từ 2 phút là em chuyển luôn sang câu khác. Một điều nữa rất rất quan trọng là kiểm tra lại bài. Mỗi bài thi em đều kiểm tra lại ít nhất 2 lần, nhiều khi kiểm tra lại tìm thấy những lỗi sai không đáng có, tránh bị mất điểm oan.
- Như Tuân chia sẻ, bên cạnh sách giáo khoa thì sách tham khảo và đề thi là hai công cụ không thể thiếu, vậy em có thể chia sẻ một số đầu sách tham khảo cho các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh mà Tuân đã sử dụng khi ôn thi?
- Mỗi năm lại có những sách tham khảo rất hay. Năm em ôn thi thì môn Toán em dùng sách của thầy Lê Hồng Đức, Trần Phương như Bộ Đề Thi Tuyển Sinh Đại Học Và Cao Đẳng Môn Toán (gồm 100 Đề Trắc Nghiệm Và Tự Luận – NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Tuyển Tập Các Chuyên Đề Luyện Thi Đại Học Môn Toán Hình Giải Tích, Bài Tập Trắc Nghiệm Và Tự Luận Giải Tích 12 (NXB ĐH Quốc gia Hà Nội).. . Môn Lý em dùng Cẩm nang ôn luyện thi đại học, cao đẳng môn vật lý (của tác giả Nguyễn Anh Vinh – NXB Đại học sư phạm), Hướng dẫn ôn tập và phương pháp giải nhanh bài tập trắc nghiệm môn vật lý của thầy Nguyễn Anh Vinh - NXB Đại học Sư phạm. Với môn Sinh em dùng sách của thầy Huỳnh Quốc Thành như cuốn: Hướng Dẫn Giải Chi Tiết Bài Tập Trong Cấu Trúc Đề Thi Môn Sinh Học; 1456 Câu Hỏi Trắc Nghiệm Sinh Học 12 Phần Di Truyền Học (NXB ĐH Quốc gia Hà Nội). Môn hóa thì em cũng dùng cuốn Cẩm nang ôn luyện thi đại học, cao đẳng môn hóa học.
Những cuốn sách này phần lớn em nhờ bạn bè, anh chị học ở nội thành mua hộ tại các hiệu sách lớn, uy tín.
- Có được những cuốn sách hay đã khó nhưng việc sử dụng chúng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất không phải ai cũng làm được. Vậy với Tuân, em đã sử dụng sách như thế nào để khai thác hết giá trị của cuốn sách cũng như thẩm thấu chúng?
Trước khi dùng sách tham khảo em đều đọc sách giáo khoa trước. So sánh xem có sự chênh lệch kiến thức giữa các sách không, nếu có thì hỏi các thầy cô. Mỗi cuốn sách tham khảo em đều đọc nhiều lần. Lần đầu e sẽ làm ra nháp, sau đó so kết quả, tìm lý do tại sao mình làm sai nhưng không khoanh vào sách. Một tuần sau hoặc lâu hơn em sẽ làm lại những bài tâp ấy xem mình đã tiếp thu được bao nhiêu.
Em nghĩ, sách tham khảo chiếm trên 50% trong thành công của em.
- Đang là sinh viên năm thứ 2, vậy theo Tuân, phương pháp học ở trường đại học khác với thời phổ thông thế nào? Việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong quá trình học đại học đóng vai trò quan trọng thế nào?
Lên đại học việc học khác biệt nhiều với phổ thông. Việc học là chủ động, chủ động trong việc tìm kiếm tài liệu, chủ động trong việc đọc, tìm tòi, hiểu tài liệu. Tài liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng với việc học đại học. Giáo trình của trường có thể viết cách đây khá lâu, kiến thức chưa kịp cập nhật do đó cần tìm thêm những tài liệu bên ngoài, đặc biệt là tài liệu tiếng anh, kiến thức rất cập nhật và rõ ràng.
- Thời gian qua, dư luận nói nhiều đến vấn đề cử nhân thất nghiệp, từ trải nghiệm của bản thân em có thể đưa ra một lời khuyên cho các thí sinh năm nay về chọn ngành, nghề phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân?
-Với em, em đã chọn ngành nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực của bản thân và mong muốn của gia đình. Theo em, ngoài yêu thích thì sự thành công trong một công việc nào đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố năng lực bản thân, kĩ năng mềm và các yếu tố khách quan khác nữa nên để chọn một ngành cho chính xác là không dễ.
Cám ơn Tuân!
H.Minh