Tin mới

Bí thư huyện “dắt nhầm” dê, chủ tịch xã “nuôi hộ” gà người nghèo

Thứ tư, 18/03/2015, 16:05 (GMT+7)

Vụ việc 12 con dê “đi lạc” vào trang trại ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa chưa lắng xuống, thì dư luận lại phẫn nộ khi phát hiện 1.250 con gà hỗ trợ cho người nghèo lại "được" từ Bí thư đến Chủ tịch cùng cán cán bộ xã đưa về "nuôi hộ".

Vụ việc 12 con dê “đi lạc” vào trang trại ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa chưa lắng xuống, thì dư luận lại phẫn nộ khi phát hiện 1.250 con gà hỗ trợ cho người nghèo lại "được" từ Bí thư đến Chủ tịch cùng cán cán bộ xã đưa về "nuôi hộ".

 

 

Lãnh đạo, cán bộ xã “nuôi hộ” gà cho người nghèo

Những ngày qua, người dân xã Quế An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) liên tục phản ánh với báo chí về nhiều khuất tất trong dự án cấp gà giống cho hộ nghèo phát triển kinh tế.

Cụ thể, 1.250 con gà giống của chương trình Nông thôn mới thay vì cấp cho người nghèo phát triển kinh tế lại chui tọt vào chuồng gà nhà ông bí thư, chủ tịch và các cán bộ khác của xã Quế An. Trong khi đó, người dân cứ mỏi mòn chờ mà chẳng biết gà đã đi đâu.

Theo như bản danh sách của người dân cung cấp, trong số 1.250 con gà hỗ trợ người dân nghèo của xã Quế An thì ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch xã Quế An, được nhận nhiều nhất là 200 con.

Tiếp đến, ông Trần Văn Quyên, Bí thư xã Quế An cùng gần 20 cán bộ khác của xã mỗi người được nhận 50 con gà về nuôi.

Video:

 

 

Để tìm hiểu chân tướng sự việc, PV có cuộc tiếp xúc và trao đổi với ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch UBND xã Quế An. Ông Minh xác nhận, việc người dân phản ánh là đúng. Ông Minh cũng cho biết, số gà đó đưa về cho cán bộ xã nhận vào tháng 11/2014 là do huyện hỗ trợ xã trong chương trình Nông thôn mới.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, số gà trên là hỗ trợ cho địa phương, tạo điều kiện cho anh em địa phương... phát triển kinh tế? Bên cạnh đó, Chủ tịch xã Quế An cũng phủ nhận việc người dân phản ánh ông nhận 200 con gà mà chỉ nhận... 50 con gà và các cán bộ khác ai cũng nhận 50 con gà, số lượng là bình đẳng như nhau. Ông Minh cũng biện hộ, không phải tất các cán bộ của xã đều nhận gà mà họ nhận thay cho anh em, bố mẹ ở nhà nuôi?!

Ông Minh cũng thừa nhận: “Về chủ trương (giao gà cho cán bộ nuôi - PV) là sai. Ông nào nhận thì trả lại cho dân và xã sẽ họp rút kinh nghiệm”. Khi PV hỏi: “Trả lại gà như thế nào trong khi phần lớn gà đã được nuôi lớn và bán đi?”. Chủ tịch xã Quế An nói: “Sẽ trả lại bằng tiền như lúc mua gà con về phát cho cán bộ!”.

Trong khi người nghèo thì mỏi mòn chờ Chính sách của Nhà nước thì lãnh đạo chính quyền địa phương lại là người được hưởng. Khi sự việc bị phát hiện, thì họ lại xử lý theo kiểu: “bé cái nhầm”.

12 con dê “đi lạc” vào nhà Bí thư huyện

Một sự việc cũng gây bức xúc dư luận mới đây, đó là việc 12 con dê “đi lạc” vào trang trại ông Đỗ Minh Quý, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa.

Được biết, 12 con dê này nằm trong tổng số 24 con dê nằm trong chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để cấp cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên.

Tuy nhiên, chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy.

Lý giải cho việc chuyển dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận”.

Trang trại nhà Bí thư huyện ủy Thạch Thành Đỗ Minh Quý, nơi có 12 con dê "đi lạc" vào.

Nhưng chuyện đáng nói là 12 con dê đã yên vị gặm cỏ tại trang trại nhà ông Bí thư đến nửa năm trời. Cho đến khi dân biết được, làm đơn hỏi lên trên thì dê mới được trả về đúng chủ.

Ông Bí thư huyện ủy khi đó lại trả lời rằng “Biết là có dê vào trang trại nhưng tôi nhầm với dê của một dự án khác, chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn”.

Điều đáng nói, giá trị của 12 con dê đối với những hộ nghèo là lớn thậm chí rất lớn, nó có thể tạo nên đòn bẩy, điểm tựa để giúp họ thoát nghèo... Thế nhưng, nó đã “đi lạc” vào nhà Bí thư huyện ủy.

Thậm chí, 12 con dê còn lại cũng được phát cho những hộ vốn không phải là hộ nghèo mà đều là anh em họ hàng nhà ông Bí thư huyện ủy.

Không những dê, gà… mà tiền cũng lạc vào nhà quan

Năm 2013, tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, khi thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn theo chương trình 30 A, mỗi hộ nghèo tại xã này được cấp 3 triệu để mua dê sinh sản. Nhưng người dân phản ánh là giá dê giống bên ngoài là 120.000 đồng/kg thì dự án bán giá 170.000 đồng/kg. Dê của dự án cấp nhiều con ốm yếu, còi cọc, có con mua vài ngày là chết, thậm chí thay vì bán dê cái thì lại cấp dê đực... Chưa kể vì giá dê bị kê lên trên 3 triệu đồng không đủ tiền mua đủ mức 20-15 kg dê giống, thành thử bà con đành nghiến răng bỏ thêm,  ít nhất cũng từ 400 ngàn, nhiều thì phải phụ thêm cả triệu bạc mới có thể mua nổi.

Tương tự, tại Sơn La cũng có việc bò của chương trình 30 A đi lạc địa chỉ. Bò thay vì đến tay người nghèo thì lại rơi vào người nhà của trưởng bản Hoàng Văn Phèn ở bản Cao Đa 2, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên…

Tại huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam lại có việc tiền đi lạc khi cán bộ của chi nhánh Ngân hàng NNPTNT huyện đã sử dụng vốn vay giành cho người nghèo trong chương trình 30 A cho người nhà vay gây thiệt hại 3 tỷ đồng…

Dê hay bò, còn “be be” để người ta biết chuyện đi lạc chuồng. Còn biết bao hỗ trợ “nhầm chuồng” khác về nhà cửa, tiền bạc -  những thứ cả đời không biết nói năng,  thì bao giờ mới phát giác ra.

Còn Tết Ất Mùi vừa qua, người nghèo ở làng Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh – Vân Canh – Bình Định) cũng ăn tết với cái bụng không được no khi cán bộ thôn đã bán bớt gạo trợ cấp cho người nghèo trong dịp Tết.

Cụ thể, trước Tết Ất Mùi, phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Canh đã cấp 14 tấn gạo đỏ lửa cho thị trấn Vân Canh để phát cho người nghèo đủ ăn trong dịp Tết. Sau đó, số gạo này được UBND thị trấn cấp về cho 11 thôn, làng trên địa bàn huyện.

Trong đó, 3.165 tấn gạo cấp cho 221 hộ ở làng Hiệp Hà. Tuy nhiên, sau khi nhận số gạo được cấp phát, BQL làng Hiệp Hà tự ý bán bớt một phần gạo khiến người dân bức xúc.  

Người dân mất lòng tin

Trước hành vi ăn chặn tiền hỗ trợ người dân của một số quan xã, luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Đối với từng trường hợp bị phát hiện sai phạm, chúng ta phải xem xét tính chất cũng như mức độ mới có thể đưa ra nhận định chính xác được.

Tuy nhiên, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản là hành vi tham nhũng và hành vi này có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự (được quy định cụ thể trong Điều 3 của luật Phòng chống tham nhũng). Tùy vào mức độ vi phạm đến đâu, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý đến đó.

Hầu hết các sai phạm được nêu trên vẫn chỉ là tham nhũng vặt, khi bị phát hiện, xử lý chỉ dừng ở mức khiển trách, kiểm điểm hay thuyên chuyển công tác… khắc phục “nhầm lẫn”. Nhưng, nếu không có biện pháp răn đe cứng rắn của pháp luật thì thật đáng quan ngại rằng, sẽ không xảy ra những vụ việc lớn hơn.

T.Phong (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news