Tin mới

Bí thư Thanh Hóa mượn xe biển xanh: Có cần xác minh giấy tờ mượn xe?

Thứ năm, 10/11/2016, 10:07 (GMT+7)

“Với cương vị là lãnh đạo của Thành phố Thanh Hóa, việc ông Phi mượn xe biển xanh của đơn vị khác sử dụng vào mục đích cá nhân là việc làm không đúng. Hơn nữa, công ty cho ông Phi mượn xe cũng không đúng quy định.” - ông Trần Ngọc Vinh - Nguyên Đại biểu Quốc hội nhận định.

“Với cương vị là lãnh đạo của Thành phố Thanh Hóa, việc ông Phi mượn xe biển xanh của đơn vị khác sử dụng vào mục đích cá nhân là việc làm không đúng. Hơn nữa, công ty cho ông Phi mượn xe cũng không đúng quy định.” - ông Trần Ngọc Vinh, nguyên Đại biểu Quốc hội nhận định.

Thông tin báo chí đăng tải, ông Nguyễn Xuân Phi - Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) - thường xuyên đi lại và sử dụng 1 chiếc xe ô tô biển xanh mang BKS 36B-2789 như xe riêng. Chiếc xe này thường xuyên được ông Phi sử dụng đi lại và để luôn tại nhà riêng ở phố Trần Xuân Soạn, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa.

Ông Phi thừa nhận chiếc xe biển xanh nói trên mà ông thường xuyên sử dụng đi lại là đúng, tuy nhiên đó không phải là xe công của Thành ủy TP Thanh Hóa mà là xe ông "mượn" của Công ty Sông Mã.

Liên quan tới sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Vinh – Nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc Hội - Nguyên Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng để phân tích về sự việc.

Chiếc xe biển xanh do Bí thư TP Thanh Hóa mượn để đi lại gây xôn xao dư luận - Ảnh: N.D./ Tri thức trực tuyến

Thưa ông, trên phương diện pháp luật, một lãnh đạo TP mượn xe biển xanh của đơn vị khác để phục vụ mục đích cá nhân có phù hợp với quy định?

Như chúng ta đã biết, vừa qua báo chí đăng tải trường hợp ông Nguyễn Xuân Phi - Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa có mượn một chiếc xe ô tô biển xanh của công ty Sông Mã sử dụng.

Ông Phi cũng thừa nhận đó là chiếc xe mình mượn của một doanh nghiệp, ông lấy lý do vì “họ ít dùng nên mượn để đi lại”.

Theo quan điểm của tôi, với cương vị là lãnh đạo của Thành phố Thanh Hóa, việc ông Phi mượn xe biển xanh của đơn vị khác để sử dụng vào mục đích cá nhân là việc làm không đúng. Nếu mượn, xe phải được sử dụng vào mục đích tập thể. Trong trường hợp này, rõ ràng ông Phi mượn xe để phục vụ mục đích cá nhân, bản thân ông cũng thừa nhận việc này, ông Phi không dùng xe vào mục đích tập thể nên việc này là sai.

Theo thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, chiếc xe biển xanh đã được được cơ quan chức năng đổi sang xe biển trắng. Việc này có đúng với quy định?

Việc cơ quan công an đổi lại biển trắng cho chiếc xe là đúng với quy định. Bởi theo thông tin báo chí phản ánh, trước kia công ty Sông Mã là doanh nghiệp Nhà nước, biển xanh của xe được nhà nước cấp nhằm phục vụ công. Cho tới nay công ty này đã không thuộc quyền sở hữu nhà nước nữa thì chiếc xe phải chuyển đổi sang xe biển trắng mới đúng quy định.

Điều đáng nói, trước khi làm bí thư TP. Thanh Hóa, ông Phi từng công tác tại công ty Sông Mã. Nhưng dù có từng công tác tại đây thì chiếc xe biển xanh vẫn là tài sản công, nó phải phục vụ cho mục đích công chứ không thể dùng cho mục đích cá nhân.

Chúng ta cần xác minh xem ông Phi có hay không giấy tờ gì chứng minh mình mượn xe của công ty Sông Mã, hay việc mượn chỉ được đôi bên thực hiện bằng lời nói.

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) nêu quan điểm:

Hiện nay theo quy định về việc quản lý sử dụng xe công theo Quyết định số32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý sử dụng xe ô tô phục vụ công tác thì các cơ quan đơn vị được trang bị xe không được cho người, cơ quan khác mượn xe. Thế nhưng có hiện tượng các cơ quan đặc biệt là có doanh nghiệp nhà nước có siêu xe thì cho quan chức mượn để sử dụng khá phổ biến.

Rõ ràng theo quyết định 32/2015/QĐ-TTg thì việc sử dụng xe công đã được siết chặt, nhiều địa phương không còn có thể sử dụng nhiều xe ô tô công nữa, nhưng với thói quen làm gì cũng phải sử dụng ô tô nên tình cảnh thiếu xe mới xảy ra.  Với một nền kinh tế đang khó khăn, cán bộ lại cứ phải có xe ô tô mới đi lại được là chuyện cần xem xét lại.

Nhà nước hiện không có quy định các chức danh như Phó Chủ tịch tỉnh thì buộc phải đi làm, đi công tác bằng ô tô, vậy tại sao cứ phải có ô tô mới đi công tác được. Nếu vậy ô tô không có thì sẽ không làm việc được, không đi lại được? Cho nên, quan trọng là chúng ta nhìn nhận câu chuyện này ở khía cạnh thói quen tư duy và suy nghĩ.

Chúng ta có rất nhiều cách thức và phương tiện để di chuyển, cơ bản là chúng ta có muốn di chuyển bằng đôi chân và khả năng của mình hay chỉ quen dựa dẫm.

PV

Xem thêm video:

[mecloud]RavsUHab85[/mecloud]

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news