Tin mới

Biệt danh để đời của các đại gia Việt

Thứ bảy, 24/05/2014, 23:34 (GMT+7)

Nếu như bầu Đức, chúa đảo Tuần Châu đều không gặp vấn đề gì với biệt danh của mình thì đại gia Cường "đôla" lại thường thấy phiền lòng với cái tên của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

Nếu như bầu Đức, chúa đảo Tuần Châu đều không gặp vấn đề gì với biệt danh của mình thì đại gia Cường "đôla" lại thường thấy phiền lòng với cái tên của mình.

Là con thứ hai trong gia đình, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai thường được những người quen gọi là anh "Ba Đức", theo đúng cách gọi của người miền Trung. Nhưng ngoài cái tên Ba Đức, giống như hầu hết doanh nhân làm bóng đá khác, ông Đoàn Nguyên Đức còn được biết đến với biệt danh quen thuộc hơn là bầu Đức.

Với phong cách ăn mặc và làm việc giản dị, ông chủ công ty Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu Lê Thanh Thản nổi tiếng với thói quen hút thuốc lào dù ngồi trong xe Rolls-Royce. Chính thói quen này đã khiến doanh nhân sở hữu hàng loạt dự án bất động sản đình đám trên cả nước có biệt danh "Đại gia điếu cày".

Ông chủ khu du lịch Đại Nam Huỳnh Uy Dũng có biệt danh Dũng "Lò vôi" hay Dũng "Thành Lễ" bởi chính những nghề khởi nghiệp. Khi còn là cán bộ hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, ông Dũng làm thêm nghề sản xuất vôi quét tường, rồi về phụ trách xí nghiệp sơn mài Thành Lễ, và những công việc này gắn luôn thành biệt danh.

Là doanh nhân Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn vào năm 2013, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Vingroup ngay lập tức được gắn với biệt danh "Tỷ phú đôla". Năm 2014, ông Vượng vẫn là người Việt duy nhất lọt vào danh sách này, với tổng tài sản 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, với chiến lược phát triển Hòn Tre - một hòn đảo hoang gần Nha Trang - thành khu nghỉ dưỡng cao cấp đã mang đến cho "tỷ phú đôla" biệt danh mới là "Chúa đảo Hòn Tre".

Với dự án đầu tư "điên rồ" nhất vào năm 1997 gắn với Tuần Châu, Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn Âu Lạc - Đào Hồng Tuyển - là doanh nhân đầu tiên có biệt danh "Chúa đảo".

Trở thành lãnh đạo công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) từ năm 1985, gần 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn đứng trên cương vị cao nhất của công ty này. Đưa REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ thương hiệu máy điều hòa Reetech, trở thành công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000, bà Mai Thanh được ưu ái gọi với biệt danh "Nữ tướng REE".

Sở hữu dàn siêu xe đình đám nhất trong giới doanh nhân Việt Nam và là chủ showroom Luxury Cars, ông chủ trẻ 8X Phan Hùng Cường, chủ tịch HĐQT tập đoàn Vương Cường, thường được biết đến với biệt danh Cường "Luxury".

 

Một thiếu gia khác cũng nổi tiếng về siêu xe là Phạm Trần Nhật Minh - Phó giám đốc công ty TNHH nhựa Long Thành. Biệt danh Minh "nhựa" xuất phát từ ngành kinh doanh mà công ty gia đình của anh đang theo đuổi.

Khác với nhiều đại gia, thiếu gia Việt, biệt danh Cường "Đô la" của Phó TGĐ Quốc Cường Gia Lai lại đem đến cho doanh nhân này nhiều rắc rối. Vị này từng thẳng thắn cho rằng, với bản thân mình, cái tên "Cường Đô la" chưa từng tồn tại, và chỉ khiến công việc gặp nhiều phiền phức.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news