Ngày 17/5, trong báo cáo giải trình việc tăng giá điện, Bộ Công Thương đã có kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc Bộ Công Thương đề nghị xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc giá điện đang bị gây hiểu lầm. Ảnh minh hoạ
Kiến nghị này nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi, gây bức xúc trong dư luận. Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 21/5, các đại biểu cho rằng, kiến nghị trên là không hợp lý. Người dân có quyền nêu, phản ánh ý kiến những vấn đề xuất phát từ thực tế xã hội, tác động trực tiếp tới họ.
"Bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi Chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông người. Nếu cho rằng, người dân phản ánh vấn đề tác động tới là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý.
Việc tăng giá điện là vấn đề mà cử tri quan tâm, phản ánh nhiều nhất trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Vì thế, thay vì kiến nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện, Bộ Công Thương phải lên tiếng giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho hợp lòng dân", trên Công lý dẫn lời ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm.
Ông Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VNE
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, kiến nghị trên là "không hay, gây phản cảm". "Lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh", trên VnExpress dẫn lời ông Hoà nói và đề nghị, Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý để nhận sự đồng thuận từ dư luận.
"Tôi cho rằng kiến nghị như vậy là không đúng. Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công Thương không cầu thị", ông Hoà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: TTT
Trả lời vấn đề này, sáng 23/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã dẫn lại nguyên văn câu viết trong văn bản của Bộ: "Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện…
Có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Trên tờ Trí thức trẻ dẫn lời ông Vượng cho rằng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ thường xuyên tổng hợp thông tin phản biện từ công chúng, người dân, trên phương tiện truyền thông báo chí và mạng xã hội, tiếp thu tất cả mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, các thông tin phản hồi chính xác để đảm bảo thực hiện đúng và hiệu quả nhiệm vụ của ngành.
Tuy nhiên, vừa qua, sau khi có ý kiến và phản biện của người dân và cơ quan truyền thông, Bộ nhận thấy rằng, cách diễn đạt kể trên trong văn bản có thể gây hiểu nhầm cho dư luận, cho rằng, Bộ đánh đồng những phản biện tích cực với những thông tin cố ý bịa đặt, làm sai lệch thông tin gây hoang mang trong dư luận.
Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, kể cả những quan điểm, ý kiến trái chiều để xem xét, tiếp thu xây dựng các chính sách đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
"Về việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm để dư luận hiểu đúng, từ đó sẽ chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.