Tin mới

Bộ GD-ĐT lên tiếng việc giảm điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng kỳ thi THPT Quốc gia 2022

Thứ tư, 15/06/2022, 18:06 (GMT+7)

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng về việc giảm điểm ưu tiên thi THPT Quốc Gia năm 2022 để đảm bảo công bằng.

Sau các luồng thông ý kiến trái chiều về việc điều chỉnh chế độ điểm ưu tiên khu vực theo hướng giảm tuyến tính với những thí sinh có mức điểm từ 22,5 điểm trở lên, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng phản hồi về vấn đề này.

Theo quy định, điểm ưu tiên sẽ được tính theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Với cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi dưới 22,5 điểm thì điểm cộng ưu tiên không thay đổi. Đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều. Khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Những thí sinh đạt điểm thi dưới 22,5 điểm thì điểm cộng ưu tiên không thay đổi
Những thí sinh đạt điểm thi dưới 22,5 điểm thì điểm cộng ưu tiên không thay đổi

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc điều chỉnh mức điểm ưu tiên nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh tham dự thi THPT Quốc gia thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: “Công bằng ở đây cần được hiểu là sự công bằng trong cạnh tranh vào các ngành, vào các trường ở mức tương đương nhau. Một thí sinh ở khu vực 1 đạt được 23 điểm thì không cạnh tranh với thí sinh cũng ở khu vực 1 đó mà đạt 22 điểm. Như vậy, việc em đạt 23 điểm được cộng ít điểm ưu tiên hơn nhất định không thể thua thiệt hơn em đạt 22 điểm. Nhưng, thí sinh đạt 23 điểm này đang cạnh tranh với các thí sinh ở khu vực khác để vào được ngành và trường tương ứng với mức điểm cao này”.

Bộ GD-ĐT lên tiếng việc giảm điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng kỳ thi THPT Quốc gia 2022 - Ảnh 1

Tương tự với các chế độ Chính sách hỗ trợ khác, việc cộng điểm ưu tiên không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà cần thiết xem xét và căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng khác nhau. Trong cùng một khu vực, gia đình ít khó khăn hơn sẽ được nhận hỗ trợ ít hơn, thậm chí không cần hỗ trợ so với những gia đình khác. Không thể nói rằng việc hỗ trợ ít hơn này khiến gia đình ít khó khăn hơn thiệt thòi hơn.

Số thí sinh được hưởng ưu tiên khác nhau hiện nay là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số em tốt nghiệp hàng năm. Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm thấp hơn nhóm KV3 (không được cộng điểm ưu tiên), thế nhưng sau khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình lại lớn hơn nhiều. Trong khi đó, 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cũng có kết quả học tập khác biệt. Nhóm trúng tuyển do  được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Bộ GD-ĐT lên tiếng việc giảm điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng kỳ thi THPT Quốc gia 2022 - Ảnh 2

Chính vì điều này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy sự không công bằng giữa hai nhóm đối tượng thí sinh trên. Các trường, đặc biệt là các trường top đầu cũng không được lựa chọn các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo. Nhóm thí sinh bị bất lợi, không được hưởng sự công bằng lúc này lại chính là nhóm ở KV3, đặc biệt với những thí sinh muốn xét tuyển vào các trường và ngành học top đầu.

Việc áp dụng chính sách ưu tiên không thể phủ nhận là rất cần thiết, giúp các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế được tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi.

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news