Soạn đề cương, học thuộc lòng sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh
Mới đây, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM (GD&ĐT) ký Văn bản số 4903/SGDĐT-GDTH về hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I cấp tiểu học năm học 2022 – 2023.
Theo đó, văn này được gửi tới lãnh đạo các Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thuộc Tp.HCM, các trường tiểu học trên địa bàn Tp.HCM.
Nội dung văn bản ghi rõ, yêu cầu thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học, hoạt động giáo dục căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng lớp. Phòng GD&ĐT có thể linh hoạt bố trí, tránh cận các ngày lễ được Nhà nước quy định trong năm, hoặc các ngày có ý nghĩa khác.
Các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh và có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm và gặp khó khăn trong học tập, thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.
Các trường tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình.
"Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày, không soạn đề cương bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, ôn tập", văn bản nêu rõ.
Riêng đối với lớp 1, 2, 3 (đang thực hiện theo Chương trình 2018) thì đề kiểm tra phải phù hợp yêu cầu cần đạt của chương trình đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa.
Văn bản cũng yêu cầu các trường sử dụng các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 3 mức. Mức 1 là nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.
Mức 2 là kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự. Mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, Tp.HCM cho rằng, việc cho học sinh làm bài theo đề cương mẫu, học thuộc bài mẫu sẽ làm thui chột tương lai học sinh. Từ lâu, trường đã triển khai và nhắc nhở giáo viên về vấn đề này.
"Tôi cho rằng, giáo viên dạy nếu soạn đề cương theo mẫu, cho học sinh học thuộc bài mẫu vậy là dạy học sinh học vẹt, không thể hiện sự sáng tạo và năng lực của bản thân các em. Nhiều năm qua, trường chúng tôi thực hiện rất nghiêm việc chấm bài thi cuối kỳ cho học sinh.
Trong quá trình chấm bài kiểm tra, trường chỉ phát hiện một vài học sinh của 1 lớp làm bài giống nhau, đã từng nhắc nhở giáo viên. Trường cũng quy định, nếu giáo viên cho học sinh học văn mẫu thì sẽ có biên bản ghi nhận, lỗi này của giáo viên sẽ bị đưa vào thi đua. Còn bài làm của học sinh đó chỉ trong khung điểm trung bình trở xuống.
Việc Sở GD&ĐT ra văn bản cấm học thuộc bài mẫu như vậy, tôi cho rằng, ngoài ngăn chặn bệnh thành tích còn tránh làm thui chột tương lai học sinh, không thể biến các em thành cái máy học bài. Bài kiểm tra của các em dù hay hay dở thì sản phẩm đều phải là từ tư duy, năng lực của học sinh chứ không phải là của giáo viên hoặc của người khác được", vị này cho biết.
Thầy cô và phụ huynh cần khích lệ các em tiến bộ
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên môn Ngữ Văn tại Tp.HCM cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ với chỉ đạo của Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu các trường tiểu học tổ chức ôn tập kiểm tra cuối học kỳ I ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày, không soạn đề cương bài mẫu bắt buộc học sinh làm; không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu".
Theo Thạc sĩ Hoài, thực tế hiện nay, học sinh, phụ huynh học sinh, kể cả giáo viên vẫn còn nhầm lẫn giữa kỳ kiểm tra là kỳ thi khiến cho việc dạy và học trở thành áp lực.
Việc kiểm tra thường xuyên và kiềm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) là các hoạt động thông thường hàng ngày, hàng tháng nhằm đánh giá việc tiếp thu bài của học sinh để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp, mục đích ghi nhận sự tiến bộ của học sinh.
Học sinh đã học 2 buổi ở trường thì giáo viên không giao bài tập về nhà nữa, bởi một buổi các em học chính khóa, một buổi dành cho việc luyện tập, bổ trợ kiến thức. Việc không giao bài tập về nhà giúp học sinh có thời gian vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục thể thao, giúp đỡ gia đình…
"Việc cho học sinh học bài theo đề cương, văn mẫu khiến học sinh thụ động, ỷ lại và triệt tiêu khả năng tự học, tự sáng tạo. Thay vào đó giáo viên cần chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh nhằm giúp các em hoàn thành các bài học một cách chủ động nhất.
Có thể năm học này, học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ gặp một số khó khăn nhất định, nhưng các em sẽ quen dần những năm sau đó. Vậy nên, thầy cô, cha mẹ cần chấp nhận kết quả học tập của học sinh có thể chưa cao, hãy khích lệ các em tiến bộ từng ngày thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều", Thạc sĩ Phan Thế Hoài chia sẻ thêm.