Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT có đưa môn Lịch sử tích hợp trong các môn Đạo đức – Công dân, Quốc phòng – An ninh để trở thành môn Công dân với Tổ quốc. Chính vì điều này đã làm nhiều nhà sử học, giáo viên dạy sử không đồng tình vì cho rằng môn Lịch sử phải là môn bắt buộc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD&ĐT không bỏ môn Lịch sử.
Trên Dân trí dẫn lại lời của GS. Phan Huy Lê phát biểu tại hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3/11 cho biết, GS không đồng tình với việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tích hợp và biến môn học này không còn là môn riêng biệt.
Bộ GD&ĐT không bỏ môn Lịch sử trong chương trình học. Ảnh: Giáo dục |
GS. Phan Huy Lê cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn thì bản chất là thủ tiêu môn học này. Nếu xóa bỏ môn Lịch sử trong hệ thống tri thức phổ thông là cực kỳ nguy hiểm. Công dân lớn lên mà không biết, hoặc biết mơ hồ về lịch sử Việt Nam thì ai sẽ chịu trách nhiệm hệ quả đào tạo này.
Còn ông Dương Trung Quốc nói rằng, Bộ GD&ĐT đặt vấn đề các môn tích hợp trong dự thảo chương trình mới chưa thuyết phục, cần phải xem lại.
Theo ông Dương Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới luôn coi Lịch sử là môn học cơ bản và cần thiết. Không chỉ vì kiến thức lịch sử ở nước họ quan trọng hơn so với nước khác mà ở kiến thức môn học này đã tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân như: ý thức xã hội, tinh thần tự tôn, niềm tự hào của người dân đối với quốc gia, dân tộc…
Trước những băn khoăn của các nhà Sử học, trên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD&ĐT không bỏ môn Lịch sử.
Theo Thứ trưởng, để khắc phục những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành như nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, kiến thức chồng chéo giữa các môn học; thiết kế của chương trình mới ở bậc tiểu học, THCS sẽ hình thành các môn học mới được tích hợp từ một số môn học truyền thống, có nội dung liên quan, gần nhau như các môn tìm hiểu khoa học tự nhiên, tìm hiểu khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội...
Thiết kế này đã gây hiểu nhầm, khiến dư luận cho rằng Bộ GD-ĐT bỏ môn lịch sử vốn là môn học “không thể xếp vào hàng môn phụ”.
Theo Thứ trưởng Hiển, không có việc bỏ môn lịch sử. Ở các bậc học dưới, kiến thức lịch sử tích hợp trong các môn học mới. Ở bậc THPT, sẽ bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn. Tùy định hướng nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn một trong hai môn lịch sử hoặc khoa học xã hội.
"Tôi khẳng định Bộ GD-ĐT không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn lịch sử khi xây dựng môn học mới. Cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học, trong đó có giáo dục lịch sử, sẽ có những điều chỉnh cả về nội dung chương trình, định hướng dạy học để học sinh thật sự muốn học và học có hiệu quả hơn môn lịch sử", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Lê Vy (tổng hợp)