Trước kiến nghị về việc xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học nhằm tránh biến tướng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng không nên, nhưng Bộ sẽ xem xét thay thổi quy định về việc không để Ban đại diện cha mẹ có quyền được thu tiền.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Theo thông tin trên Dân trí, VietNamNet, sáng 22/9, chia sẻ về vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng GD&ĐT Trần Thị Nghĩa cho biết Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, hiện nay, tại một số nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng theo điều lệ mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Để xảy ra sai sót này là trách nhiệm không chỉ của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà còn của cả hiệu trưởng trường có lạm thu.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đây, hội có sự kết nối để quản lý, giáo dục học sinh cùng nhà trường sao cho tốt hơn.
Thứ trưởng Nghĩa thông tin những vấn đề về học sinh hoặc các hoạt động nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu. Không nên biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường.
Cũng theo bà Nghĩa, hiện nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu hội phí theo quy định ở điều 10. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng các trường lách luật, lấy quy định này làm cơ sở để biến Ban đại diện cha mẹ học sinh thành công cụ thu tiền xã hội hóa giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để bỏ quy định này. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ không trên quy định nữa.
Về việc có nên xóa bỏ Ban này không, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, không nên. Theo bà, họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Tuy nhiên, bà Nghĩa nhấn mạnh, phụ huynh và ban đại diện của mình cần làm đúng vai trò trong việc cùng nhau xây dựng một môi trường giáo dục tốt. Những thông tin về học sinh và các hoạt động nâng cao chất lượng học tập trường rất cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, tại nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã làm rất tốt công việc của mình trong việc giám sát, thay mặt phụ huynh kiến nghị bảo vệ quyền lợi cho con em. Tuy nhiên, ở một số nơi bị biến tướng thành lạm thu cần chấn chỉnh.
Ông Thuyết cho rằng, ngoài học phí mỗi tháng mấy chục nghìn đồng, nhiều khoản thu xã hội hóa là cần thiết như trông xe, nước uống cho học sinh,... Tuy nhiên, vẫn có nhiều khoản thu liên quan đến cơ sở vật chất như năm nào cũng thu tiền điều hòa là vô lý: “Điều hòa cả chục năm mới hỏng, để sòng phẳng với phụ huynh có thể sử dụng cách vay tiền của hội phụ huynh sau đó khi học sinh ra trường thì trả lại cho họ” , ông Thuyết đề xuất.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tương lai có thể hướng tới các cấp học cao nên thu học phí cao hơn, vì họ đã có nghề nghiệp. Còn lại, Nhà nước đầu tư cho các cấp miễn phí từ tiểu học đến THCS.
Đức Hòa (tổng hợp)