Trước việc Trung Quốc đang hoàn thành cơ sở các quân sự phi pháp trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm.
Hệ thống radar Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp ngày 9/3/2017 |
Ngày 15/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc đang hoàn tất quá trình quân sự hóa trên các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định mọi việc làm của nước ngoài tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo này.
"Chúng tôi cho rằng là một quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên Biển Đông, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 6/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự phi pháp ở Trường Sa và có thể triển khai 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại đây.
Cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng 24 nhà chứa máy bay cùng nhiều hệ thống vũ khí cố định và cơ sở hạ tầng quân sự tại các bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết nỗ lực mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa tập trung vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng tại đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, sau khi Bắc Kinh hoàn thành 4 căn cứ nhỏ hơn vào đầu năm 2016.
Cũng theo báo cáo này, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các thực thể nhân tạo do nước này bồi đắp như những căn cứ quân sự - dân sự lâu dài nhằm tăng cường sự hiện diện của nước này trên Biển Đông, đồng thời nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các thực thể này cũng như các không gian hàng hải lân cận.
Đức Hòa (tổng hợp)