Ngày 23/11, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng để chuẩn bị tổ chức thẩm định.
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) cho biết, ngày 8/11/2022, bộ này nhận được Công văn số 2255/PTM-PC đề ngày 4/11/2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Bộ Tài chính đã giải trình, tiếp thu ý kiến của VCCI.
Bộ Tài chính muốn giữ bảo hiểm bắt buộc với xe máy
Đối với bảo hiểm bắt buộc với xe máy, VCCI đề xuất hai phương án.
Phương án 1, bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm TNDS đối với xe máy. Quy định này không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Điều 8 của Luật kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định tên loại hình bảo hiểm còn Nghị định được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, trong đó bao gồm cả phạm vi áp dụng.
Phương án 2, đồng thời sửa đổi nhiều quy định giúp tăng tỷ lệ chi trả đối với sản phẩm bảo hiểm TNDS của chủ xe máy, gồm có: giảm mức phí bảo hiểm; tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác.
Trả lời quan điểm của VCCI, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Trong quá trình xin ý kiến cũng có một số ý kiến đề nghị xem xét bỏ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô, xe máy, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình Quốc hội. Luật đã được 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Nói rõ hơn về cơ sở pháp lý, Bộ Tài chính cho rằng, khoản 1 Điều 601 Bộ Luật dân sự và khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ đều xác định xe cơ giới (bao gồm cả ô tô và xe mô tô, xe gắn máy) là nguồn nguy hiểm cao độ.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nêu rõ: "Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội". Bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Chính phủ được giao quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.
"Hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, bao gồm cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe) hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe)", Bộ Tài chính nêu kinh nghiệm quốc tế.
Hơn nữa, để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore,… đã có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã 34 năm (từ năm 1988 theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng).
Hiện nay mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
"Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy", Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm.
Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ Tài chính sẽ thống nhất bỏ quy định này.
Về phương án sửa đổi nhiều quy định giúp tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm TNDS của chủ xe máy, Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm, tạm ứng bồi thường, tăng mức bồi thường bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo...đã được rà soát và hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 1/3/2021.
Dự thảo Nghị định lần này ban hành nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, do đó về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm TNDS của chủ xe máy.
Về giảm phí bảo hiểm, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định tỷ lệ giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo chủ động của DNBH và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro (trước đây không có quy định về giảm phí).
Về tăng mức bồi thường bảo hiểm, do năm 2021, Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ vừa tăng mức trách nhiệm bảo hiểm từ 100 triệu đồng/người/vụ lên 150 triệu đồng người/vụ, do đó, cần có thời gian đánh giá dựa trên tình hình triển khai thực tế trong giai đoạn từ 4 đến 5 năm tới. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án tăng mức trách nhiệm trong thời gian tới trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả triển khai, tình hình thị trường, xu thế, lợi ích và các rủi ro liên quan.
Tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%, đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.
Về thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, Dự thảo Nghị định đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Theo quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).
Về đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, Dự thảo Nghị định đã kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, theo đó cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ thu thập tài liệu của cơ quan Công an có thẩm quyền trong trường hợp tử vong, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Về công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc
Cũng tại văn bản góp ý, VCCI đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới vào Điều 65 dự thảo Nghị định hoặc xây dựng điều khoản riêng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Hiện nay, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (Quỹ bảo hiểm xe cơ giới) là đơn vị quản lý, quản trị, vận hành Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Dự thảo Nghị định quy định Hội đồng Quản lý Quỹ có nhiệm vụ giám sát, quản lý, quản trị, vận hành, khai thác, phát triển và duy trì hoạt động của Cơ sở dữ liệu.
Tiếp thu ý kiến của VCCI, Bộ Tài chính bổ sung trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong việc công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới tại dự thảo Nghị định.