Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, quy định Thưởng Tết là do chủ sử dụng lao động quyết định mức thưởng và được ký trong hợp đồng lao động từ đầu năm.
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối ngày 24/1 dẫn nội dung bức thư của một thính giả viết: "Năm ngoái một người họ hàng của tôi rất buồn khi Công ty thưởng Tết bằng bánh bích quy, năm nay đến lượt tôi được thông báo thưởng Tết bằng dầu ăn, bột ngọt. Tôi đọc báo, nghe đài được biết có công ty may mặc còn thưởng Tết bằng sản phẩm quần áo của công ty. Vậy tại sao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không có quy định việc thưởng Tết phải bằng tiền?"
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Quy định thưởng Tết là do chủ sử dụng lao động quyết định mức thưởng và được ký trong hợp đồng lao động ngay từ đầu năm hoặc thỏa ước lao động, và sẽ được công khai sau khi trao đổi với Công đoàn của công ty.
Chính vì vậy, có doanh nghiệp không có khả năng thưởng, nên hợp đồng từ đầu năm không dám ghi sẽ thưởng, nhưng phần đông trên 80% doanh nghiệp chúng tôi được biết có thưởng không phải vì họ sản xuất tốt, mà họ có ý thức ngay từ đầu người lao động là người quyết định chính cho công ty của mình. Do đó, tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp đều có quy định ngay trong hợp đồng từ đầu năm, tuy nhiên do một số khó khăn không có thưởng.
Tôi nghĩ rằng nếu doanh nghiệp có thưởng nên thưởng bằng tiền mặt cho người lao động với các lí do sau vì thực tế 100.000 tiền công không bằng một đồng tiền thưởng vì có tính động viên lớn cho người lao động để họ phấn khởi hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Hơn nữa ý nghĩa về vật chất rất thiết thực, vì phần đông người lao động có thu nhập thấp họ cũng muốn có khoản thưởng lo Tết cho gia đình, hoặc về quê ăn Tết với bố mẹ. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp thưởng bằng vật chất là vì họ muốn động viên nhất định với người lao động thôi chứ đấy không phải là thưởng Tết.
Với tinh thần không để người dân không có Tết, được biết năm nay hơn 10.000 tỷ đồng và 7.000 tấn gạo đã được chuẩn bị tặng gia đình người có công, gia đình Chính sách, người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 này. Đây là truyền thống từ nhiều năm nay mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện. Nhiều thính giả trong diện được hỗ trợ có gửi thư về Chuyên mục hỏi Bộ đang triển khai công tác xác định hộ cần hỗ trợ này như thế nào? Và khi nào họ sẽ nhận được những phần hỗ trợ này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đối với đối tượng người có công chúng tôi đã trình Chủ tịch nước Quyết định từ ngày 8/1/2016 là hỗ trợ quà Tết cho hai mức 400.000/người và mức 200.000/người, tổng là 437 tỷ đồng, và trên 2 triệu người có công được hưởng quà Tết của Chủ tịch nước.
Đối với hộ nghèo mà thiếu lương thực đến nay đã có 11 tỉnh đề nghị trên 12.000 tấn lương thực, với tinh thần chỉ đạo là các địa phương khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải đưa lương thực đến tay người nghèo trước 25 Tết để các đối tượng có Tết đầy đủ.
Như Bộ trưởng vừa cho biết, đến thời điểm này mới có 11 tỉnh đề nghị hỗ trợ, vậy còn những tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục đề nghị hỗ trợ thì sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng vậy, mới có 11 tỉnh đề nghị hỗ trợ. Cho nên chúng ta chưa thể biết hết được số tỉnh cần hỗ trợ, bởi vì trong số này chưa có tỉnh Sơn La, Lai Châu - những tỉnh này tỉ lệ hộ nghèo rất cao, và khả năng địa phương tự giải quyết cũng chưa chắc đã được vì vậy tới đây dự kiến các tỉnh sẽ có đề nghị.
Chúng tôi mong muốn thời gian không còn nhiều nên các tỉnh phải xác định khi Thủ tướng quyết định thì địa phương phải chủ động đưa phần lương thực hỗ trợ đến tay người nghèo đảm bảo thời gian.