Theo quy định nhà nước, ngân sách nhà nước cấp cho ngành thể thao được chi trả các chế độ tiền công, tiêu vặt, thưởng theo thành tích… chứ không có khoản dành cho thưởng Tết. Do đó, nhiều năm nay VĐV từ đội tuyển cho đến địa phương đều không được Thưởng Tết mà chỉ mong đạt thành tích cao nhằm có tiền thưởng đi kèm, coi như phần chi tiêu dịp Tết Nguyên đán.
Theo Tiền Phong đẫn lời một lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao (TDTT) chia sẻ về vấn đề thưởng Tết cho VĐV: “Thể thao là ngành đặc thù, đâu có phải hoạt động sản xuất kinh doanh nên làm gì có nguồn thu để có thưởng. Ngân sách nhà nước theo quy định chỉ để trả tiền công, tiền tiêu vặt và thưởng theo thành tích…Chúng tôi vẫn biết điều này thiệt thòi cho VĐV nhưng đây là quy định. Chỉ một số đơn vị nếu nhận được nguồn tài trợ xã hội thì có thể thêm quà Tết cho VĐV”.
Trong số các môn thể thao, VĐV bóng đá có lẽ là những người hạnh phúc nhất. Thu nhập cao, đặc biệt với những đội bóng lớn và thưởng Tết cũng khá chưa kể những khoản 'lót tay'. Mức thưởng không cố định, tuỳ điều kiện tài chính từng đội. Tuy nhiên năm nay, tình hình kinh tế khó khăn tác động rõ tới các đội bóng ở V-League. Hầu hết các cầu thủ cho biết, hiện chưa thấy lãnh đạo thông tin gì về tiền thưởng Tết.
Thưởng Tết không có, khoản tiền VĐV trông đợi nhất là thưởng theo thành tích thi đấu trong quy định của nhà nước. Theo Nghị định 152 của Chính phủ quy định một số chế độ cho HLV, VĐV đỉnh cao, VĐV giành HCV Asiad thì mức thưởng lần lượt là 140 triệu đồng, 85 triệu đồng và 55 triệu đồng cho HCV, HCB và HCĐ. Các VĐV đạt thành tích tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) cũng được nhận thưởng theo quy định.
Xạ thủ Phạm Quang Huy nhận được khoản tiền thưởng khá lớn từ nhà nước, tiền thưởng nóng của đoàn TTVN và cả UBND thành phố Hải Phòng nhờ thành tích 1 HCV, 1 HCĐ tại Asiad 19 (Hàng Châu). Một VĐV khác thu nhập tốt là Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) khi đoạt tới 4 HCV tại SEA Games 32.
Mặc dù vậy, số VĐV như Phạm Quang Huy hay Nguyễn Thị Oanh không nhiều. Với nhiều VĐV khác, họ tìm cách trang trải thêm thu nhập nhờ công việc kinh doanh. Đơn giản nhất là đăng hình quảng cáo bán hàng online trên trang cá nhân. Từ những bài đăng bán hàng nhỏ lẻ đó, một vài VĐV như Trương Đình Hoàng đã xây dựng thương hiệu cafe cho riêng mình. Nhà vô địch WBA Đông Á mở kênh bán hàng trực tuyến dành riêng cho cộng đồng người sành uống cà phê.
Kình ngư Ánh Viên có một trung tâm bơi lội ở TP Hồ Chí Minh, nơi cô thỉnh thoảng lại đến gặp mặt các bạn nhỏ. Võ sĩ Muay Thái - Trương Cao Minh Phát đã Khai trương một phòng tập tại Lâm Đồng. Anh bỏ không ít vốn vào cơ sở này, với mục đích chọn quê nhà làm nơi lập nghiệp trong tương lai xa.