Tin mới

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Sẽ xem xét điều chỉnh điểm ưu tiên"

Thứ sáu, 11/08/2017, 14:44 (GMT+7)

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định phương thức tổ chức thi tuyển kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017, đã được xã hội thừa nhận là tốt, song cần rút kinh nghiệm về tính phân hóa của đề thi, việc cộng điểm ưu tiên cần điều chỉnh cho thích hợp.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định phương thức tổ chức thi tuyển kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017, đã được xã hội thừa nhận là tốt, song cần rút kinh nghiệm về tính phân hóa của đề thi, việc cộng điểm ưu tiên cần điều chỉnh cho thích hợp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VNN

Sáng 11/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 -2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm được tổ chức.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ xung quanh những vấn đề “nóng” của ngành giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không nên dành nhiều thời gian nói về kết quả mà bàn kỹ về những hạn chế để có cái nhìn khách quan, tránh những cách nhìn nhận chưa sát, gây bức xúc trong dư luận.

Tại kỳ thi năm nay xuất hiện những câu chuyện thí sinh 30 điểm trượt ĐH, rồi điểm thi cao hơn điểm chuẩn mà vẫn trượt ĐH vì điểm ưu tiên, điểm làm tròn… Nhiều người cho rằng chúng ta cần điều chỉnh lại điểm ưu tiên cho phù hợp.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đó là chủ trương tốt và đầy nhân văn. Việc cộng điểm ưu tiên không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng rộng rãi.

Hiện nay, khi tình hình thực tế đã thay đổi, các khu vực, vùng miền không còn quá chênh lệch như trước thì chúng ta cũng sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT rất cầu thị lắng nghe để điều chỉnh phù hợp.

Liên quan đến hiện tượng nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia mà báo chí, dư luận gọi là "mưa điểm 10", ông Nhạ giải thích là do thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức trải đều trong chương trình lớp 12, học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.

Tuy nhiên, cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc ra đề để tính phân hóa tốt hơn nữa.

"Trong bối cảnh thời gian chuẩn bị không nhiều, kết quả đạt được như vậy đã là một sự cố gắng lớn ".

"Phương thức thi như năm nay sẽ được giữ ổn định, xã hội cũng thừa nhận điều này. Tất nhiên, vẫn phải cải tiến về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng tốt hơn", ông Nhạ nhận định.

Về việc nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, các trường phải “đổ xô” xét tuyển đợt 2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường nào chất lượng tốt thì sẽ thu hút được nhiều thí sinh và ngược lại.

Theo ông Nhạ, thị trường lao động có phân tầng khác nhau nên mỗi trường sẽ có một sứ mạng, phân khúc đào tạo khác nhau.

"Chúng ta đang cố gắng để tuyển sinh đủ chỉ tiêu đăng ký nhưng dần dần phải làm quen với việc thí sinh đăng ký mà không vào học".

Bên cạnh đó, các trường ĐH phải không ngừng nỗ lực cải thiện để nâng cao chất lượng của mình, đào tạo phải gắn liền với nhu cầu của xã hội. Có những ngành xã hội không cần thì chúng ta phải chấp nhận giảm chỉ tiêu hoặc ngừng tuyển sinh.

Ông Nhạ cho rằng, giáo dục đại học sẽ phát triển khi nền kinh tế phát triển, vì nền kinh tế chính là nơi tạo ra nhu cầu vừa là nơi sử dụng sản phẩm của giáo dục đại học. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đào tạo và sở thích của người học như lâu nay là chưa đủ. ĐH cần phải nhìn vào thị trường để đào tạo, chứ không phải ngành nào có thế mạnh thì đào tạo mà không quan tâm tới thị trường.

"Có như vậy chúng ta mới giải tỏa được những bức xúc lâu nay là sau mỗi kỳ tuyển sinh lại lo không có người vào học".

Về vấn đề điểm chuẩn các trường sư phạm thấp, ông Nhạ cho rằng ý kiến từng người nói đều đúng cả nhưng chưa có cái nhìn nhận thực sự căn cơ. Hiện nay chúng ta đang nhìn thấy hạn chế của Chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành sư phạm nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khắc phục cần có thời gian, quá trình chứ không thể chỉ trong vòng 1-2 năm.

"Bộ đang quyết liệt quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Song đây là vấn đề liên quan tới nhiều chính sách không chỉ thuộc Bộ GD-ĐT mà còn thuộc nhiều bộ ngành khác".

Sau khi dẫn lại một số hiện tượng nổi bật trong thời gian qua, ông Nhạ cho rằng: "Với tất cả các hiện tượng, cần có cách nhìn bình tĩnh. Có những thứ chúng ta phải chấp nhận sóng sánh một chút nhưng dầ dần sẽ ổn định", ông Nhạ nói và cho biết tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục làm quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, hệ thống các trường sư phạm cũng như ban hành nghị định tự chủ các trường ĐH. "Sẽ sóng sánh đấy nhưng phải vững vàng".

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news