Tin mới

Bộ trưởng TT&TT: Thúc đẩy Chính phủ điện tử để cải cách hành chính

Thứ sáu, 17/11/2017, 13:49 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: Q.H.

Sáng 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã "đăng đàn" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi, việc xây dựng Chính phủ điện tử là chủ trương lớn, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ nhưng dù có nhiều cố gắng song sau 2 năm thực hiện thì mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử còn xa, người dân và doanh nghiệp còn phàn nàn nhiều vì chưa được sử dụng dịch vụ công chất lượng. Đại biểu Hoa đặt ra câu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ TT&TT đến đâu khi xảy ra tình trạng chậm trễ này và giải pháp nào để nâng cao hiệu quả?

Tương tự, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cũng đánh giá, việc triển khai Chính phủ điện tử mang lại tiện ích cho doanh nghiệp, người dân nhưng việc triển khai chưa tương xứng với kỳ vọng và mức độ đầu tư. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt đặt câu hỏi, trách nhiệm của Bộ TT&TT như thế nào khi có những địa phương cung cấp 1.000 dịch vụ hành chính nhưng không có dịch vụ nào được điện tử hoá và làm sao nâng cao chất lượng Chính phủ điện tử thời gian tới?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, những năm qua thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động ứng dụng thông tin trong cơ quan Nhà nước được đẩy mạnh. Lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội có kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến các bộ ngành đã thực hiện ở mức cao, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan nhà nước.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; các tỉnh/thành phố cung cấp gần 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao như lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến.

Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử ở một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế là do người đứng đầu chưa quyết liệt áp dụng dịch vụ công. "Ở địa phương nào người đứng đầu quan tâm thì địa phương đó thực hiện dịch vụ công tốt hơn. Kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử không đáp ứng nhu cầu bố trí của địa phương, chưa kịp tthời nên lộ trình triển khai chưa theo kế hoạch, thậm chí triển khai chồng chéo, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) về việc Bộ TT&TT đã và sẽ làm gì để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, Tư lệnh ngành thông tin cho biết, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, trong đó, các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả nâng dịch vụ công.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về khái niệm thông tin độc hại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Bộ đã phân loại thông tin độc hại gồm: Thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ. Thứ hai, thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân khi khai thác quá nhiều đời tư. Thứ ba, thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Khoảng 15 năm trước dây chúng ta không nghĩ rằng mạng Internet mạng xã hội phát triển như hôm nay. Và chúng ta không lường trước được 15 năm trước chúng ta sẽ biết mạng xã hội phát triển ra sao. Mạng xã hội, Internet ra đời đã giúp con người xích lại gần nhau. Kho kiến thực đồ sộ của mạng xã hội làm chúng ta lúc nào cũng có cơ hội tìm kiếm kiến thức mọi nơi mọi lúc. Vai trò của Internet và mạng xã hội chúng ta không thể phủ nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích rất lớn thì tác hại do mạng xã hội mang lại không phải là nhỏ. Đó là thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.

Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng hay không? Nếu nói rằng mạng xã hội như một con đường thì trên con đường đó có cả kẻ cướp có cả người bình thường. Vì vậy vấn đề là ý thức của người đi trên con đường đó.

Hầu hết những người sử dụng Facebook là người tốt, vẫn rất người với nhau. Nhưng dù chỉ có một bộ phận nhỏ, năng lượng đen, năng lượng xấu như ném đá nhau, nói xấu nhau vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Thậm chí từ 2014 tới nay có 5-6 trường hợp tự tử vì việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, vì tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội. Người ta tung ra những lời nói bôi nhọ mà bất chấp nạn nhân là ai.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các cơ quan liên quan để tăng cường năng lượng tốt, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.

Các mạng xã hội nước ngoài có mặt ở Việt Nam thì cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài và tác động gỡ bỏ những nội dung xấu độc, xâm phạm lợi ích quốc gia và các cá nhân.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news