Ngày 1/3, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Quyết định 457 có hiệu lực từ ngày 1/3, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).
Quyết định mới này cho phép, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Về dạng bào chế, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và Hỗn dịch tiêm.
Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg. Với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
- Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.
- Đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.
Nội dung trong quyết định mới của Bộ Y tế trùng khớp với khuyến cáo từ CDC Mỹ. Theo đó, vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi có các thành phần hoạt tính tương tự loại cho người lớn và thanh thiếu niên. Liều lượng vaccine Covid-19 cũng không thay đổi theo trọng lượng mà tùy thuộc vào tuổi của người tiêm. Ngoài ra, trẻ trong độ tuổi này cũng được sử dụng kim tiêm có đầu nhỏ hơn.
Trước đó, Việt Nam đã quyết định mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. WHO khuyến cáo việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi cần được xem xét dựa trên lợi ích cho cộng đồng, đặc điểm dịch tễ học và chỉ nên tiêm cho nhóm đối tượng này khi mức độ bao phủ liều cơ bản tại các nhóm đối tượng ưu tiên khác đạt mức độ cao.
Mẹ F0 có được cho con bú?
Trước tình trạng cả nước ghi nhận nghìn ca mắc COVID -19 mỗi ngày. Trong đó có không ít các bà mẹ đang cho con bú, nhiều bà mẹ băn khoăn, đó là khi mình bị nhiễm bệnh thì có nên cho con bú hay không và ngược lại khi con dương tính, mẹ có nên cho con bú không?
Theo khuyến cáo của WHO, hiện không có bằng chứng cho thấy COVID-19 truyền qua sữa mẹ, do đó sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp trẻ tránh khỏi ốm đau, bệnh tật và tử vong. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ nguồn kháng thể tự nhiên dồi dào như: IgG, IgA, IgM, IgD và IgE… Các kháng thể giúp cung cấp sức đề kháng cho trẻ giúp trẻ chống lại những vi khuẩn, vi trùng, siêu vi…
Theo các chuyên gia, nếu chẳng may mẹ nhiễm COVID-19 thì vẫn tiếp tục cho con bú và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh đã được khuyến cáo như: Đeo khẩu trang khi cho trẻ bú; Khử khuẩn sạch các vật dụng và bề mặt mà trẻ thường xuyên tiếp xúc quanh mình; Rửa tay 6 bước bằng xà phòng trước và sau khi cho con bú mẹ.