Theo tin tức từ Vietnamnet, sáng ngày 19/3, khi phản hồi về vụ việc nghi thịt lợn nhiễm sán gạo tại Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh này cho hay không có cơ sở để xét nghiệm thịt lợn từ video clip được phát tán trên Facebook ngày 22/2/2019 vì không còn mẫu.
Mẫu thịt gà, xương gà được Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành) sử dụng làm thực phẩm cho học sinh ngày 5/3 khi đưa đi xét nghiệm "đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm".
Đáng chú ý là thời điểm công an Bắc Ninh xác minh nghi vấn thực phẩm kém chất lượng ở bếp ăn trường Thanh Khương là đầu tháng 3, trong khi mẫu thịt nổi hạch, nghi có sán được phát hiện ngày 14 và 20/2.
Hình ảnh thịt lợn nổi hạch như hạt gạo được phụ huynh lan truyền. Ảnh: VNE
Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, các món ăn trong ngày dành cho từ 30 người trở lên phải lưu mẫu ít nhất 24 giờ. Sau 24 giờ lưu mẫu mà không nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc không có yêu cầu của cơ quan quản lý thì bếp ăn có thể hủy mẫu lưu.
Theo kết quả kiểm tra, truy suất nguồn gốc thịt lợn tại Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành ngày 14/2 và 20/2 cho thấy, thịt lợn được lấy từ hai cơ sở: hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (Khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội). Cả hai cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Cũng theo Ban quản lí An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, ngày 6/3, đơn vị này đã tiến hành lấy mẫu thịt gà ngày 5/3 của Trường Mầm non Thanh Khương đã được Công an huyện Thuận Thành niêm phong. Các mẫu thực phẩm được đưa tới Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định và kết quả của hai mẫu thực phẩm này đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm.
Tính đến 7h ngày 18/3, có 186 trẻ trong số 1.557 cháu có kết quả xét nghiệm dương tính sán lợn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương.
Tin tức từ Pháp luật TP HCM cho hay, chiều 19/3, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc.
Dẫn lời ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, theo quy định là nơi cung cấp thực phẩm phải lưu mẫu, việc không lưu là vi phạm pháp luật.
Ông Phong đánh giá, vụ việc sán lợn ở Bắc Ninh chưa được làm tốt, nhất là việc cung cấp thông tin. Ông Phong cho rằng, việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không đảm bảo ở trường mầm non Thanh Khương và đưa đi xét nghiệm hàng loạt là chính đáng.
Khi được hỏi về tỷ lệ 11% người nhiễm sán theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh liệu có nhiều và đáng lo ngại, ông Phong, theo thông tin của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ 0 đến 12% là tỷ lệ tương đối cao, nhưng không phải quá cao hay bất thường.
"Do đó, theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2004 thì dương tính như thế chưa phải điều trị, chưa có chỉ định điều trị. Chỉ điều trị sau khi có sán trưởng thành, người nhiễm có biểu hiện đi ngoài, có đốt sán, có nổi mụn hạch hoặc một số biểu hiện khác... thì mới điều trị”- ông Nguyễn Thanh Phong nói.