Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua. Trong các ngày 10 đến 13-12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (AQI trong khoảng 201-300). Lúc 8 giờ 10 sáng ngày 14-12, chỉ số AQI mà ứng dụng này cập nhật tại Hà Nội là 318, chuyển sang khung màu nâu - cực kỳ nguy hại, tin tức từ Người Lao Động cho hay.
Trước tình hình ô nhiễm nặng nề này, Bộ Y tế đã gửi 14 khuyến cáo để người dân đối phó với tình trạng trên. Theo đó, Bộ Y tế có 2 nhóm hướng dẫn đối với mọi người dân và hướng dẫn cho người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, người già.
Đáng chú ý, với cả 2 nhóm này, các cơ quan chuyên môn là Tổ chức Y tế thế giới, Cục Quản lý môi trường y tế và Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường đều khuyến cáo hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua ở mức cực kỳ nguy hại. Ảnh internet
Theo tin tức từ Tuổi Trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo:
Với người dân, nên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin của cơ quan chức năng; hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời trong tình huống chất lượng không khí xấu.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Các chuyên gia tai mũi họng khuyến cáo nguồn không khí ô nhiễm chính là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Tỉ lệ người bị bệnh liên quan đến hệ hô hấp ngày càng nhiều hơn ở người lớn và các em nhỏ, không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn.