Theo tin từ Vietnamnet, tại nhiều cửa hàng kinh doanh tôn, thép trên địa bàn Hà Nội, khi khách hàngvừa hỏi mua tôn của một thương hiệu hàng đầu trong nước chủ hàng nào cũng đều nhanh nhảu quảng cáo bán tôn chính hãng với giá “mềm” nhưng đến lúc khách yêu cầu được xem trước hàng mẫu thì cửa hàng không hề có.
Nguyên nhân đằng sau tình trạng trên được một nhân viên bán tôn tiết lộ, khi khách hàng hỏi mua tôn của các thương hiệu tên tuổi và trả giá thấp hơn đi chăng nữa, các cơ sở kinh doanh tôn vẫn sẵn sàng đáp ứng. Khi khách đặt cọt rồi, các chủ cửa hàng mới gọi điện đặt hàng từ các cơ sở sản xuất tôn. Tuy nhiên nếu ham giá rẻ, không cam kết chặt chẽ, thay vì mua tôn chính hãng, khách hàng sẽ nhận được tôn giả, tôn nhái, tôn kém chất lượng.
Hiện giờ ở các cơ sở kinh doanh tôn, ngoài máy ép sóng, còn đầu tư thêm máy dập chữ để in tên những loại tôn nổi tiếng lên tôn chất lượng kém, giá thành rẻ. Nguồn tôn chất lượng kém chủ yếu nhập lậu theo từng cuộn từ Trung Quốc, sau đó phân phối tới các cơ sở sản xuất. Các cơ sở này sau khi ép sóng, nếu có khách mua, dựa vào từng yêu cầu cụ thể, sẽ dùng máy in để tên, thương hiệu tôn.
Tôn nhập lậu từ Trung Quốc thường có giá rẻ, nhưng không đảm bảo về độ dày tiêu chuẩn và chất lượng mạ rất kém có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của công trình sau khi đưa vào sử dụng. Thay vì có thể sử dụng được 10 năm thì hàng giả sẽ bị gỉ sét chỉ sau khoảng 3 năm sử dụng.
Tôn giả, tôn nhái không đảm bảo về độ dày và chất lượng mạ tiêu chuẩn sẽ bị gỉ sét chỉ sau khoảng 3 năm sử dụng. Ảnh: internet |
Vừa qua, trong ngày 19 và 20 tháng 11/2014, Đội Quản lý Thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra “nóng” mặt hàng tôn tại 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn trên địa bàn TP.Hà Nội. Qua kiểm tra phát hiện 5 cơ sở có dấu hiệu vi phạm chất lượng tôn lớp, không phù hợp với độ dày, định lượng trên sản phẩm, cũng như trên giấy tờ.
Thông thường, khi khách hàng yêu cầu mua tôn lợp có độ dày 0.35mm, giá khoảng 80.000 đ/mét, để cạnh tranh, các cơ sở sản xuất tôn sẽ báo giá 75.000 đ/mét, nhưng giao hàng tôn chỉ có độ dày 0.30mm. Tại các cửa hàng kinh doanh tôn ở Hà Nội, hiện tượng gian lận này rất phổ biến.
Theo tính toán, một cuộn tôn dài 2.000 m, giảm độ dày dày 0,05 mm, thì mỗi mét tôn sẽ có lãi gần 13.000 đồng, nếu tính giảm giá cho khách 5.000 đồng/m, vẫn lãi 8.000 đồng/m và cả cuộn 2.000 m sẽ có lãi 16 triệu đồng.
Theo quy định, tất cả các sản phẩm của DN đưa ra thị trường đều phải công bố chất lượng, trong đó sẽ có tên của hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, kích thước (độ dày, độ mỏng), kể cả hàm lượng thành phần trong sản phẩm đó…Nếu sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng trên bao bì không đúng thực tế, chẳng hạn như tôn ghi độ dày là 0,35mm, nhưng thực tế đo chỉ đạt 0,3mm hoặc mỏng hơn thì đây là hàng giả chất lượng.
Việc gian lận độ dày, mỏng, của sản phẩm tôn tấm lợp vừa tinh vi, vừa trắng trợn, đánh vào khả năng khó nhận biết của khách hàng, sẵn sàng “đổi trắng thay đen” để kiếm lời bất chính, đang gây ra những thiệt hại to lớn cho người tiêu dùng và xã hội.
Không chỉ vậy, nhiều DN sản xuất tôn lợp có thương hiệu đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, làm giảm uy tín các thương hiệu và gây tâm lý hoang mang đối với khách hàng.
Đây là vấn đề lớn diễn ra từ lâu, trên diện rộng nhiều tỉnh, thành phố và dường như có sự thỏa thuận ngầm trong giới kinh doanh mặt hàng tôn. Các cơ quan quản lý của nhà nước, cần phải khẩn trương vào cuộc, điều tra xác minh để xử lý lãm rõ.
Theo An ninh tiền tệ