Tin mới

Bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn: Liệu có rơi vào quên lãng?

Thứ hai, 08/09/2014, 17:14 (GMT+7)

Nhiều trường hợp oan sai đã chờ đợi tới hơn 10 năm, thậm chí có trường hợp chết đi vẫn chưa được giải quyết bồi thường. Liệu trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)có đi vào vết xe đổ của những bản án oan trước đó?

 

 

Nhiều trường hợp oan sai đã chờ đợi tới hơn 10 năm, thậm chí có trường hợp chết đi vẫn chưa được giải quyết bồi thường. Liệu trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang có đi vào vết xe đổ của những bản án oan trước đó?

Có thể khẳng định, vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một trong những vụ oan sai nổi tiếng nhất. 10 năm tù vì chịu án oan về tội Giết người, ngày 25/10/2013, ông Chấn được giải oan khi Lý Nguyễn Chung – thủ phạm trong vụ án ra đầu thú. Và ngày 25/1/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chấn.

Ngay sau đó, đại diện Cục Bồi thường nhà nước cho biết đã trực tiếp liên hệ, hướng dẫn ông Chấn làm hồ sơ yêu cầu bồi thường, cách thức chứng minh thiệt hại và những vấn đề liên quan thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Cục cũng đã làm việc với luật sư Vũ Hằng Nga – Đoàn Luật sư Hà Nội, người được gia đình ông Chấn nhờ tư vấn, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động bồi thường của nhà nước.

Vậy nhưng, sau gần 4 tháng gửi đơn đề nghị bồi thường, sáng 15/8, TAND phúc thẩm Hà Nội mới có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Chấn. Vậy là hơn 120 ngày từ lúc nộp đơn, thậm chí là vài trăm ngày tính từ khi ông được chính thức minh oan, cuộc gặp mặt chừng 2 giờ này mới được tổ chức. Và trong quá trình làm việc, phía Tòa án Nhân dân Tối cao đã yêu cầu ông Chấn phải xuất trình giấy tờ để giải quyết theo đúng pháp luật. Do giấy tờ này bị thất lạc nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn

Với những đòi hỏi về thủ tục, giấy tờ của Tòa án Nhân dân thì việc để ông Chấn được giải quyết bồi thường thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, với cách giải quyết “gây khó dễ’ của cơ quan công quyền thì trường hợp bồi thường oan sai cho ông Chấn sẽ bị kéo dài và nguy cơ lại rơi vào quên lãng như các vụ oan sai trước đó. Và những tưởng với 1 nghị định, 13 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn, việc thực thi bồi thường oan sai không còn vướng mắc, tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện hầu như đi ngược lại.

Cũng là một trường hợp oan sai, đến lúc chết, ông Lê Quốc Dũng (ở Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa được bồi thường thiệt hại. Sau khi nhận quyết định đình chỉ điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp, đầu năm 2012, ông Dũng làm đơn gửi Viện KSND quận Gò Vấp đề nghị bồi thường oan sai số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông Dũng mất vào tháng 8-2012 do bệnh nặng. Từ đó đến nay, vợ và con ông Dũng liên tục có đơn yêu cầu Viện KSND quận Gò Vấp bồi thường cho chồng nhưng Viện KSND quận Gò Vấp không thụ lý đơn với lý do đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường, trong khi lỗi là của Công an quận Gò Vấp vì chậm công bố quyết định đình chỉ điều tra.

Đến khi đạt được thỏa thuận bồi thường thì vợ ông chờ mãi vẫn chưa nhận được tiền. Vì “Đại diện Viện KSND quận Gò Vấp bảo phải lập hồ sơ báo cáo Viện KSND TP HCM, Viện KSND tối cao. Sau khi xem xét, Viện KSND tối cao sẽ chuyển cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính thẩm định rồi mới rót tiền về Sở Tài chính TP.HCM, sau đó mới có tiền trả cho tui” - bà Thúy cho biết.

Nạn nhân oan sai còn phải chờ đợi đến bao giờ mới được bồi thường thiệt hại?

Một trường hợp khác là ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình). Tháng 9-1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau đó, TAND tối cao đã hủy án điều tra lại. Năm 2003, không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Lương Ngọc Phi, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã đình chỉ điều tra đối với ông.

Mười năm sau, vào tháng 8-2013, TAND tỉnh Thái Bình đã bị TAND TP Thái Bình tuyên buộc phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Cục phó Cục Bồi thường Nhà nước khẳng định: “Vụ này hiện nay không còn vướng mắc gì, chỉ còn chờ làm thủ tục để đề nghị cấp kinh phí. Chúng tôi cũng đã có công văn hướng dẫn ông Phi khi thực hiện quyền của mình, cũng như phối hợp trao đổi với TAND tối cao để các đồng chí thẩm định hồ sơ, đảm bảo đúng quy định”. Tuy nhiên, đến nay, bản án có hiệu lực gần một năm nhưng ông Phi vẫn chưa được nhận tiền.

Cũng tương tự trường hợp của ông Phi và ông Dũng, 13 năm là thời gian đợi bồi thường của ông Phạm Đức Bình (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Năm 2000, TAND TP Hà Nội xử phạt ông Phạm Đức Bình 30 tháng tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Năm 2001, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên ông Bình không phạm hai tội nêu trên. Từ năm 2005, ông Phạm Đức Bình đã gửi đơn đến TAND TP Hà Nội đề nghị được bồi thường.

Sau 13 năm kể từ ngày được tuyên vô tội, tháng 4-2014, TAND TP Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Phạm Đức Bình, thỏa thuận mức bồi thường là hơn 600 triệu đồng. Thế nhưng đợi chờ từ tháng 4 đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. “Tôi đến tòa đề nghị bồi thường sớm cho tôi thì bị bảo vệ tòa chặn ngay ở cổng, bảo lãnh đạo đi vắng. Điện thoại cho thư ký tòa thì bảo phải đợi. Tôi đã đợi 13 năm rồi, giờ không biết phải đợi đến bao giờ?” – Ông Bình ngao ngán.

Theo Vũ Đậu (Tổng hợp)/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news