Tin mới

Buộc thôi học 7 ngày vì vi phạm giao thông: Sự răn đe hay niềm vui "được" nghỉ?

Thứ bảy, 12/03/2016, 08:59 (GMT+7)

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này nên được áp dụng từ lâu để răn đe, chấn chỉnh học sinh, thì không ít chuyên gia quan ngại về sự không phù hợp, đặc biệt nếu hình phạt trở thành "niềm vui" đối với những học sinh cá biệt.

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này nên được áp dụng từ lâu để răn đe, chấn chỉnh học sinh, thì không ít chuyên gia quan ngại về sự không phù hợp, đặc biệt nếu hình phạt trở thành "niềm vui" đối với những học sinh cá biệt. 

Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật về việc Sở GD – ĐT Hà Nội đề ra hình phạt buộc học sinh, sinh viên nghỉ học trong vòng 7 ngày vì vi phạm an toàn giao thông, luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco, cho biết ông hoan nghênh tinh thần của Sở GD - ĐT Hà Nội đã có hành động quyết liệt trong việc giáo dục và tuyên truyền ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho học sinh, sinh viên. Việc giáo dục này là cần thiết để rèn luyện ý thức các em ngay từ trên ghế nhà trường để đào tạo thế hệ mới có ý thức và văn hoá giao thông tốt hơn.

Buộc thôi học 7 ngày vì vi phạm giao thông: Sự răn đe hay niềm vui
 

Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Phong, Sở GD -  ĐT Hà Nội cần phải lưu ý rằng, việc áp dụng các hình thức xử lý vi phạm cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ GD - ĐT, đồng thời hình phạt có hiệu lực áp dụng đối với các em học sinh có hành vi vi phạm trong thời gian nhà trường quản lý. Vì vậy, trong trường hợp này các em học sinh vi vi phạm giao thông, nằm ngoài phạm vi do nhà trường quản lý thì các chế tài này không thể áp dụng được.

Luật sư Hà Huy Phong cho biết thêm, bản thân văn bản nêu trên của Sở GD - ĐT cũng có những điểm chưa phù hợp với các quy định kỉ luật học sinh trong Thông tư 08/TT ban hành ngày 21/03/1988.  Ngoài ra, việc đuổi học 1 tuần lễ lại có thể thấy ngay là ảnh hưởng đến quyền được học tập của học sinh, sinh viên, cũng như tạo ra một lỗ hổng về mặt kiến thức của các em do bị gián đoạn việc học tập. Việc này sẽ trở thành gánh nặng cho chính các giáo viên đứng lớp, nhà trường trong giai đoạn sau đó. Do vậy, không nên áp dụng biện pháp cho nghỉ học 1 tuần như đã đưa ra, mà các nhà trường nên có các biện pháp khác phù hợp hơn.

Buộc thôi học 7 ngày vì vi phạm giao thông: Sự răn đe hay niềm vui
 

Đồng quan điểm với luật sư, Tiến sĩ tâm lí Nguyễn Thanh Nga cho biết, việc Sở GD – ĐT Hà Nội đưa ra văn bản trên là rất đáng hoan nghênh trước thực trạng học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, việc buộc học sinh nghỉ học 1 tuần khi vi phạm an toàn giao thông là hơi quá, ảnh hưởng nhiều đến bản thân các em, gia đình và chính các thầy cô giáo.

Tiến sĩ cho rằng, việc buộc học sinh nghỉ học sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lí nhạy cảm, đang trong giai đoạn trưởng thành của các em học sinh. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường lại phải tốn thời gian quản lý và bù đắp kiến thức cho các em sau 1 tuần dài không được đến trường.

Tiến sĩ cho biết thêm, với nhiều học sinh cá biệt, việc “được” nghỉ 1 tuần lại là “niềm vui”, các em có thêm thời gian chơi bời, lang thang khiến gia đình và địa phương khó quản lí. Theo bà Nga, việc áp dụng hình phạt trên chỉ có tác dụng với các em học sinh, sinh viên có ý thức tốt, ngoan ngoãn, còn với trường hợp cá biệt liệu nó có khiến các em trở nên tốt hơn?!

Trái ngược với các quan điểm trên, ông Lại Tiến Minh, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội lại cho rằng, Sở GD – ĐT Hà Nội nên áp dụng mức phạt này từ lâu để răn đe, chấn chỉnh tình trạng học sinh, sinh viên vi nghiêm trọng an toàn giao thông hiện nay. Theo ông Minh, việc này sẽ giúp ý thức chấp hành giao thông của các em học sinh được cải thiện và nâng cao hơn trong thời gian tới đây.

Nhân Văn – Ngọc Bé

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: thôi học