Người đi chợ có thể phát hiện hoá chất trong rau quả bằng cách đơn giản là ngửi và nhúng vào nước. Nếu ngửi nhanh thấy mùi hắc và hôi thì trong đó còn dư lượng của thuốc trừ sâu.
Ngâm rau xanh, củ, quả… trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa, dùng nước vo gạo để ngâm, hoặc dùng nước muối 5% để rửa. Rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá. Rửa ít nhất 3 – 4 lần trong chậu nước đầy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi. Các loại rau, trái, củ, hoa quả có vỏ khi mua về tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn.
Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súplơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu giảm 30%. Sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu. Để an toàn hơn, không nên sử dụng nước luộc rau như rau muống, bắp cải, củ cải…
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, ánh nắng mặt trời cũng làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời khoảng 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%.
Khi đi mua rau, chọn rau quả còn tươi, toàn vẹn, không bị trầy xước, bị héo úa, dập nát, hoặc dính các chất lạ, có hình dạng bên ngoài bình thường, có màu sắc tự nhiên, giòn chắc, cầm nặng tay. Có một số loại quả bên trong hư hỏng nhưng bên ngoài vẫn còn tươi do sử dụng hoá chất bảo quản, do đó phải xem kĩ trước khi mua.
Tránh mua rau quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước ở ngoài chợ vì ngoài việc nguồn nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hay có hoà các hoá chất độc hại để giữ trắng, giòn, các sinh tố vốn có trong rau tươi như sinh tố C, dễ bị hoà tan và mất đi trong nước ngâm.