(Tinmoi.vn) Vẫn biết đổi mới giáo dục đại học là đòi hỏi cấp thiết nhưng dù có “thiết” đến mấy vẫn không thể “cấp” được vì tất cả còn phải ngồi chờ những động thái chuyển mình uể oải từ "ông cơ chế".
Thực tế hiện nay, trong hàng loạt vấn đề của giáo dục như điều chỉnh chương trình để phân luồng, thay chất đội ngũ giáo viên… thì đổi mới cơ chế quản lý điều hành là vấn đề cơ bản và then chốt nhất, có vai trò quyết định thành bại của toàn bộ công cuộc đổi mới. Một khi cơ chế quan liêu bao cấp còn chưa được thay thế bằng cơ chế quản lý dân chủ - khoa học thì chúng ta sẽ còn phải loay hoay trong vòng luẩn quẩn, trì trệ, “đổi” mãi mà không thấy mới.
Quá trình tuyển chọn đội ngũ giảng viên ở đại học Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn chung của công chức nhà nước, trong khi quy trình tuyển giảng viên và nhà quản lý đại học lại phải có những đặc thù riêng. Ảnh minh hoạ
Tại một cuộc hội thảo về đối thoại giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết lập luận, tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức, tài chính, nhân sự và học thuật. Ở Việt Nam quyền tự chủ đã được ghi nhận trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học nhưng nghịch lý là nhà nước vẫn kiểm soát. Việc phát triển trường vẫn do các yếu tố ngoài trường quyết định, trong khi việc chia tách, sát nhập do cơ quan chủ quản quyết định, hội đồng trường không có thực quyền.
Quá trình tuyển chọn đội ngũ giảng viên ở đại học Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn chung của công chức nhà nước, trong khi quy trình tuyển giảng viên và nhà quản lý đại học lại phải có những đặc thù riêng. Tiêu chí hàng đầu cho đội ngũ giảng viên là nghiên cứu khoa học, các cơ quan chức năng không tham gia vào quá trình tuyển chọn. Việc bổ nhiệm giáo sư, ở nước ngoài trường nào muốn đi theo nghiên cứu một lĩnh vực nào đó thì họ sẽ đi săn đầu người, còn tại VN, việc bổ nhiệm không do sự chủ động của các trường. Đó chính là vấn đề còn rất mâu thuẫn hiện nay.
Bộ GD-ĐT nói giao quyền tự chủ cho các trường, nhưng thực tế việc tự chủ ấy vẫn mang tính nửa vời, bị ràng buộc bởi quá nhiều cơ chế, luật định. Với các trường đại học, vấn đề tự chủ tài chính là quan trọng nhất, nhưng kiểu tự chủ này vô hình chung đã tạo rất nhiều khó khăn cho các trường. Vậy là con đường tự chủ lại tiếp tục với những gian nan.
Một bất cập nữa của thực trạng trên chính là tính lỗi thời của hệ thống quản lý. Hiện nay tư duy quản lý xin - cho vẫn còn khá rõ. Chính sách tiền lương, Chính sách thu hút và đãi ngộ vẫn chưa rõ ràng. Thu nhập của giảng viên hiện còn quá thấp và khi xét tăng lương thì lại cứng nhắc. Mặc dù hiện nay giảng viên đã có những ưu đãi của nhà nước (bù vào lương) nhưng hầu như vẫn không thể giải quyết được vấn đề.
Thực tế, chỉ khi nào cơ chế quản lý nhà nước có sự chuyển mình thì mới mong có đổi mới, tháo gỡ được những nút thắt trên. Còn không, nếu chỉ tiếp tục tăng thêm tiền cho hệ thống giáo dục hiện nay sẽ không tạo ra kết quả tốt hơn.
Linh Nguyễn