Theo chân cán bộ chữ thập đỏ phường 5 (quận 8, TPHCM), chúng tôi đến nhà chị Cao Thị Thủy (SN 1961) trên đường Phạm Thế Hiển. Là người chủ động hiến giác mạc và hiến xác, chị Thủy cho biết vẫn đang chờ giấy chứng nhận từ Trường ĐH Y-Dược TPHCM thông qua Hội Chữ thập đỏ.
Muốn cống hiến thật trọn vẹn
“Dù thủ tục chưa thể hoàn tất, nhưng hôm mình làm hồ sơ, phía Hội Chữ thập đỏ phường bảo rằng đã tiếp nhận xong. Chiều đó mình về thấy người nhẹ nhàng vui vẻ lắm”, chị Thủy chia sẻ.
Chị nói mình có tâm nguyện hiến xác cho y học từ hồi 12 tuổi, bởi chị đã từng trải qua cảm giác “bác sĩ khó tìm ra bệnh của mình hồi đó”. Tâm nguyện của chị ngày càng lớn hơn khi trực tiếp chăm sóc cha già không may bị chấn thương, phải nằm bất động hơn 10 năm trời. “Hôm rồi nghe con gái đi làm về kể có người cùng cơ quan tình nguyện hiến xác, vậy là mình hỏi tới. Có điều con gái bận bịu quá không lo tìm hiểu được, vậy là mình tự lên mạng tìm thông tin rồi thăm dò ý kiến gia đình xong rồi quyết định”, chị Thủy kể.
Con gái chị Thủy, người “cung cấp” thông tin về tình huống hiến xác cho mẹ nói với chúng tôi, ban đầu nghe tâm nguyện của mẹ cũng “có hơi băn khoăn, nhưng sau thấy đây là nghĩa cử cao đẹp cần làm nên em ủng hộ thôi”. “Ông xã cũng ủng hộ quyết định của mình”, chị Thủy cười vui cho biết thêm.
Tâm sự về những điều làm nên sự quyết tâm của mình trong nghĩa cử hiến xác và giác mạc của mình, chị Thủy kể: “Hồi trẻ mình cũng được ăn học đàng hoàng, nhưng bận bịu lo cho cha già nên có cống hiến gì cho xã hội được đâu. Mình tự hỏi chả nhẽ đến cuối đời không cống hiến được gì cho xã hội sao? Mình còn cơ thể này, vậy cống hiến cho xã hội cũng là việc nên làm và còn khiến mình thấy hạnh phúc”. Người phụ nữ dành nhiều tâm huyết cho xã hội nói chung và ngành Y tế nói riêng còn căn dặn con gái phải thực hiện đúng ước nguyện của chị để “giúp mẹ cống hiến trọn vẹn lúc cuối đời”.
“Nếu không may mình có vấn đề về sức khỏe mà khó có khả năng phục hồi, mình viết giấy cho con gái nhờ bác sĩ rằng mình tự nguyện được nhắm mắt nhanh gọn mà không phải kéo dài, để xác, giác mạc còn hữu dụng hơn với ngành Y, mình muốn cống hiến thật trọn vẹn”, chị Thủy kiên quyết nói về ý định của mình.
Hiến xác để cảm ơn cuộc đời
Cũng thuộc địa bàn phường 5, bà Ngô Thị Huệ (SN 1948) - hàng xóm thường gọi là bà Năm, cũng chọn cách cảm ơn cuộc đời bằng nghĩa cử cao đẹp là hiến xác cho y học.
Chị Cao Thị Thủy cùng con gái vui vẻ khi nói về nghĩa cử của mình. Ảnh: Đỗ Bá |
Là một phụ nữ khá mạnh mẽ, bà Năm đã vượt nhiều khó khăn, gian khó trong cuộc sống để chăm nom cha già đau yếu, chồng cũng ngã bệnh, rồi 3 người con lần lượt vướng bệnh tật (thị lực giảm dần đến mù lòa). Cuộc sống của bà Năm gian nan đến độ phải bán cả căn nhà được cấp theo diện Chính sách để chăm lo cho người thân rồi trôi nổi nhà thuê, nhà trọ.
Mới đây, gia đình bà Năm được Hội Chữ thập đỏ cùng chính quyền phường 5 vận động các nhà hảo tâm chăm lo một căn nhà trú thân lúc tuổi già cùng 3 người con tật bệnh và được tặng một chiếc máy may để mưu sinh.
Bà Ngô Thị Huệ (tức Năm) nói mình muốn cảm ơn cuộc đời thông qua việc hiến xác |
“Hồi năm 2012, tôi đọc báo, xem truyền hình thấy có cảnh bác sĩ phải học khám bệnh bằng búp bê, rồi lại thấy thông tin hiến xác. Tôi nghĩ tuy cuộc đời mình cũng quá gian nan khốn khó nhưng vượt qua được cũng nhờ người này người nọ, nhờ xã hội cưu mang mới sống đến hôm nay. Lại nhìn thấy các con không may tật bệnh, tôi muốn trước là cảm ơn cuộc đời, sau là để lại điều tốt đẹp cho con”, bà Năm chia sẻ.
Nghĩa cử của bà Năm không chỉ được các con tự hào ủng hộ mà còn noi theo. Nhìn bà Năm khoe với anh Lộc (cán bộ chữ thập đỏ) kỷ niệm chương bằng thủy tinh của Hội Chữ thập đỏ tri ân việc hiến xác của bà, chúng tôi thấy bản thân bà Năm thật tự hào với điều mình làm được. Người phụ nữ có nghĩa cử đẹp này còn hài hước nói với chúng tôi mình là người “mở hàng đắt” khi cho chúng tôi xem những giấy chứng nhận hiến xác của các con.