Theo tìm hiểu, chủ nhân của toà 'Lâu đài Thành Thắng" là ông Đỗ Văn Tiến - một doanh nhân ở Ninh Bình trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Tòa nhà nằm trên quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, trước đây là một vùng trũng, được chủ nhân mua lại. Lâu đài có tên là Thành Thắng vì chủ nhân vốn có hai người con trai tên là Thành và Thắng.
Thiết kế công trình được lấy ý tưởng từ Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican (Italy) kết hợp với một số chi tiết thuần Việt và sở thích của gia chủ. Chiều cao kiến trúc ngoài nhà tương đương nhà 18 tầng.
Mái vòm với nhiều chi tiết phức tạp là điểm nhấn nổi bật khi nhìn vào ngôi nhà, các chi tiết chạm nổi trên trần đều được mạ vàng.
Khuôn viên công trình rộng khoảng 10.000 m2 với hệ thống cổng và rào chắn kiên cố bao quanh. Mặt sàn xây dựng của tòa lâu đài chính 6 tầng này khoảng 2.000 m2.
Theo chủ nhân toà lâu đài, riêng phần xây thô công trình này đã trị giá khoảng 300 - 400 tỷ đồng. Còn hệ thống trần, cột, kèo, gian thờ... được làm hoàn toàn bằng gỗ gõ đỏ có tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.
Chiều cao không gian nội thất vòm tum trong nhà thông tầng tương đương nhà 11 tầng, đường kính 18m không có cột ở giữa.
Các chi tiết trong nhà được tạo nên từ nhiều chất liệu khác nhau, như: Vàng, Bạc, Đồng, Gỗ, đá sapphire... Lượng vật liệu xây dựng đổ vào tòa lâu đài này ước khoảng 1.000 tấn sắt, 4.000 - 5.000 tấn xi măng, hàng chục nghìn tấn cát, gạch.
Trong tòa nhà có nhiều phòng như: Thư viện, phòng hát, phòng ngủ theo phong cách hoàng gia, phòng nghe nhạc...Phòng nghe nhạc rộng khoảng 700m2 với đủ bộ sân khấu, chứa được hơn 300 khán giả.