Tin mới

Cần xoá bỏ hình ảnh “người Hà Nội xấu xí”

Thứ ba, 07/10/2014, 13:42 (GMT+7)

Theo GS-TS-NGND Vũ Dương Ninh, mỗi người Hà Nội cần ý thức hơn trong hành động và lời nói của mình để mỗi người đều có thể trở thành một “đại sứ” trong hoạt động đối ngoại nhân dân, nhằm xoá bỏ hình ảnh “người Hà Nội xấu xí” trong lòng du khách.

Theo GS-TS-NGND Vũ Dương Ninh, mỗi người Hà Nội cần ý thức hơn trong hành động và lời nói của mình để mỗi người đều có thể trở thành một “đại sứ” trong hoạt động đối ngoại nhân dân, nhằm xoá bỏ hình ảnh “người Hà Nội xấu xí” trong lòng du khách.

 

Chợ đêm phố cổ là một điểm đến hút du khách, nhưng vẫn tồn tại những hành vi chưa đẹp như chèo kéo du khách, móc túi... Ảnh: Bích Thảo

Trong tham luận của mình tại hội thảo “60 năm Giải phóng Thủ đô: Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 10 này, Giáo sư Vũ Dương Ninh chỉ ra rằng hoạt động đối ngoại ngày nay không chỉ là công việc của các quan chức ngoại giao, không thu hẹp trong hội nghị hay bàn tiệc, mà nó diễn ra trên đường phố với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Một nụ cười tươi, một lời nói lịch sự, một cử chỉ mến khách, một sự giúp đỡ nhiệt tình… tất cả đều mang lại cho khách một niềm vui, một ý nghĩ đẹp về con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng nếu chúng ta làm những điều ngược lại thì hình ảnh về Hà Nội sẽ xấu đi. Hiện tượng chèo kéo khách, vứt rác ra đường, móc túi, không chấp hành Luật Giao thông… vẫn diễn ra hằng ngày và để lại ấn tượng về “người Hà Nội xấu xí” trong lòng du khách.

Theo Giáo sư Vũ Dương Ninh, để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, cần làm được 3 điều. Thứ nhất, làm sao để mỗi người dân Hà Nội nhận thức được trách nhiệm và vinh dự của người chủ nhà được tiếp những người khách từ phương xa tới. Sự chuẩn bị về nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền trong các tổ dân phố, giáo dục trong các trường học, phổ biến trong các cơ sở công đoàn thuộc các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, và cuối cùng là mở rộng ra mọi công dân của thủ đô.

Thứ hai, người Hà Nội cần có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh, để chủ và khách có thể hiểu nhau, nói chuyện được với nhau. Nên có những lớp học ngoại ngữ và sổ tay ngoai ngữ cho từng ngành nghề, từng đối tượng.

Thứ ba, mối quan hệ chỉ thực sự bền chặt khi chúng ta thể hiện một trình độ văn minh trong nếp sống và trong lao động mà ở đó, điều cần quan tâm đầu tiên là rèn luyện tính kỷ luật. Điều đó thể hiện trong từng hành vi nhỏ nhất trong tham gia giao thông, trong ứng xử nơi công cộng, trong ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường…

GS. Vũ Dương Ninh nhấn mạnh: “Hà Nội, với vị thế thành phố thủ đô có nghĩa vụ làm tròn vai trò đại diện cho cả nước trong việc giao tiếp với nước ngoài. Phải làm sao để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh về một Hà Nội thân thương trong mắt du khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam”.

Theo  THẢO CHI (GHI)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news