Tin mới

Gặp người đàn ông trong bức ảnh "ân nhân" cứu ba bố con ở hồ Thiền Quang

Thứ năm, 14/07/2016, 19:25 (GMT+7)

Đằng sau tấm chân dung về người đàn ông cứu ba bố con ở hồ Thiền Quang cách đây 22 năm là một nhân cách sống giản dị, một người cha hết mình vì con.

Đằng sau tấm chân dung về người đàn ông cứu ba bố con ở hồ Thiền Quang cách đây 22 năm là một nhân cách sống giản dị, một người cha hết mình vì con.

Mới đây, nhiếp ảnh gia James Dương, chia sẻ câu chuyện về người đàn ông đã cứu mạng ba bố con anh năm 1992 và bức chân dung ân nhân mà anh tâm đắc về nghệ thuật mà nó còn có ý nghĩa riêng với bản thân anh.

Nội dung chia sẻ và bức chân dung của nhiếp ảnh gia James Dương:

“Sau nhiều năm cầm máy, ai cũng sẽ có một bức ảnh tâm đắc nhất … Năm 1992, ba bố con tôi bị lật thuyền ở hồ Thuyền Quang. Hai anh em tôi còn quá nhỏ để bơi. Bố tôi bị các thanh sắt kẹp chặt vào cổ nên không thoát ra được. Trong lúc chờ chết thì bất chợt có đôi tay nhấc tôi ra khỏi mặt nước. Một ông xích lô đã nhảy xuống, bơi ra giữa hồ để cứu cả ba bố con tôi.

Bức chân dung bác Thịnh và con trai lớn mắc bệnh não do nhiếp ảnh gia James Dương chụp và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Thời gian trôi qua như ngoảnh mặt lại. Hơn 20 năm sau ngày tai nạn ấy, tôi đi tìm lại người ân nhân đã cứu mạng gia đình. Lần qua biết bao ngõ ngách, chỉ với duy nhất chi tiết ông Thịnh đạp xích lô, tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại để báo ơn người xưa, cuối cùng trời không phụ lòng người.

Để kiểm tra, bác ruột tôi đi cùng hỏi:

– 20 năm về trước, ông làm một việc nhân nghĩa, ông có nhớ không ?

Người đàn ông kia lập tức quay sang nhìn tôi, nói:

– Tôi vớt ba bố con lên ở hồ Thuyền Quang.

Có những giọt nước mắt đã chảy. Bác Thịnh bây giờ không còn đạp xích lô nữa mà chuyển sang chạy xe ôm, vẫn ở khu vực hồ Thuyền Quang. Bác có hai người con, trong đó có một đứa bị bệnh não.

… chỉ đơn thuần một bức chân dung trong nháy mắt. Bức chân dung của người ân nhân đã giữ lại mạng sống cho gia đình tôi …

Đó là một bức ảnh ý nghĩa nhất … một bức ảnh làm tôi tự hào … một bức ảnh nhắc nhở tôi tri ân bác Thịnh đến hết cuộc đời này …”

Từ câu chuyện xúc động này chúng tôi tìm đến Khu tập thể Trương Định, nơi bác Mạc Gia Thịnh (64 tuổi) sống cùng vợ và hai con trong căn phòng chật hẹp nhưng sạch sẽ và ấm cúng để được bác chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện năm nào.

Đón chúng tôi vào giờ nghỉ trưa, cũng là thời gian người cha già về lo bữa cơm cho hai người con trai của mình. Hằng ngày cứ đúng 11 giờ trưa, bác sẽ về đi chợ nấu cơm cho cả ba bố con bởi không muốn cậu con trai lớn bị tật năm nay 27 tuổi phải ăn uống vất vưởng, và cậu con trai út đang đi làm không phải ăn cơm quán. Và khi lo cho hai con xong, người cha già chỉ kịp nghỉ ngơi chút ít rồi hơn 1 giờ lại phải tiếp tục công việc hàng ngày của mình để kiếm đồng ra, đồng vào lo cho gia đình với những cuốc xe ôm ở ngã tư hồ Thiền Quang – 59 Nguyễn Du- Trần Bình Trọng.

Tranh thủ tiếp chúng tôi, người đàn ông có nụ cười hiền hậu nói, chuyện năm xưa cũng đơn giản là chuyện nhỏ, chuyện bình thường trong cuộc sống, không có gì to tát.

"Chuyện cách đây cũng 22 năm rồi, cũng vào độ hè như thế này, hồi đó tôi còn đạp xích lô trụ sở một cơ quan của Mỹ chuyên tìm kiếm xác binh sĩ Mỹ ở Việt Nam gần hồ Thiền Quang. Trong lúc chờ khách vào sáng tầm 8-9h, tôi quan sát thấy ba bố con đạp thuyền phao quanh hồ, tôi cứ nhìn mãi bởi lúc đó vô cùng chạnh lòng bởi mình lấy vợ muộn, con lại ốm đau bệnh tật. Nhìn thấy ba bố con nhà họ vui đùa bên nhau, tôi cũng khao khát được đưa con mình đi chơi như thế. Rồi vừa nhìn quanh xem có khách không, quay lại đã không thấy họ đâu, tôi nghĩ chắc có chuyện, đã chạy lại, cởi áo rồi nhảy xuống cứu họ.

Chiếc thuyền phao bị lật úp. Người đầu tiên tôi vớt là cậu con trai lớn, lúc đó cháu có đập chân và nổi được, bế cháu đặt lên cái thuyền phao và dặn “ngồi im, giữ chặt nhé”. Rồi tiếp tục tìm và thấy thằng nhỏ hơn đang đờ đẫn vì uống nước và sốc nhưng vẫn chưa bị sặc nước, tôi bế lên ngồi cùng thằng anh. Cuối cùng là người cha, lúc đó đầu ông ấy bị kẹt giữa thanh sắt ở ngang cổ, tôi nhấn đầu ông ấy xuống nước lọt qua khe sắt đó và kéo lên. Sau khi đưa cả ba người vào bờ an toàn, tôi lấy áo của mình quấn cho đứa nhỏ nhất rồi mình trần chở họ về nhà."

Khi được hỏi bác có nghĩ mình đã làm được một việc ý nghĩa và là anh hùng hay không thì bác chỉ bảo, tất cả chỉ là kịp thời mà thôi. "Năm đó tôi đã gần 40, nhận thấy nếu cứu họ mình cũng sẽ gặp nguy hiểm nhưng cũng chẳng nghĩ được nhiều, cứu được người thì tốt rồi.", bác Thịnh nói.

Sau sự việc, hai gia đình có qua lại thăm hỏi nhau một đôi lần, gia đình anh Dương nhiều lần ngỏ ý muốn giúp đỡ nhiều hơn nhưng bác Thịnh từ chối vì bảo mình cũng chưa hẳn đã nghèo đến độ cần người giúp. Và chuyện giúp đỡ thì tình cảm là chính, có chút vật chất vào lại mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu dù những năm sau đó bác cũng phải chật vật vừa đi làm vừa chữa bệnh cho con.

Khi biết mình được Cộng đồng mạng biết đến với tấm chân dung do anh Dương chụp, bác Thịnh cũng cho biết thêm: "Cách đây vài năm, Dương nó tốt nghiệp bên Mỹ về có đến thăm và chụp tấm ảnh đó. Còn cách đây độ chục ngày, nó có đến chỗ tôi làm ở hồ Thiền Quang có nói chuyện".

Cuộc sống của bác Thịnh vẫn diễn ra bình dị kể từ sau sự việc đó xảy ra nhưng có lẽ cuộc đời đã bù đắp cho gia đình bác. Năm đó cũng là năm hai vợ chồng bác tái hợp và có thêm người con trai thứ hai khỏe mạnh và hiện đang đi làm ở một cửa hàng máy tính.

Lấy vợ năm 40 tuổi, cuộc sống của người đàn ông từng lăn lộn với cuộc đời giờ đây lại bình yên hơn ai hết. Khi muốn được bác chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn trong cuộc sống của mình, bác đã từ chối. Người đàn ông tóc đã bạc trắng nói, cái khổ của mình nào thấm được gì so với những người khác, nhiều người còn không có nhà cửa, cơm ăn áo mặc. 

"Nếu nói khó khăn thì ai cũng có khó khăn của riêng mình, thời đó, ai cũng khổ. Mọi người còn khó khăn khăn hơn mình nhiều, bác vẫn có sức khỏe, vẫn có thể làm ra tiền dù trong hạn hẹp. Bác nghĩ bác vẫn hơn nhiều người khác, cuộc sống gia đình vẫn ổn.”, bác Thịnh nói.

Bây giờ, hàng ngày bác vẫn đi xe ôm, vợ bác làm tạp vụ đến tối mịt mới về nên một mình bác chăm lo cho cả hai người con từ bữa cơm đến dọn dẹp nhà cửa. Nhìn người con trai lớn gần 30 tuổi nhưng như một đứa trẻ vui vẻ đón bố về dọn cơm, người cha già cũng yên tâm hơn.

"Sống đến tuổi này rồi thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng lắm, sóng gió ngoài cuộc đời không thể vào được đến cửa gia đình tôi. Chỉ mong hai chữ bình yên chứ không mong gì hơn. Cuộc sống cứ đơn giản vậy thôi, muốn đến đâu thì đến, có cố cũng chẳng được.", bác Thịnh chia sẻ về quan điểm sống.

Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news