Đinh lăng là một loại cây quen thuộc với nhiều gia đình. Loại cây này không chỉ được sử dụng làm một loại rau sống trong mỗi bữa ăn mà còn được xem là vị thuốc quý trong việc bồi bổ sức khỏe. Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng, từ thân cành lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây đều có thể chế biến thành thuốc.
Cây Đinh lăng còn được gọi là Cây gỏi cá (vì thường được lấy lá ăn chung với gỏi cá) hay nam dương lâm. Đây là loại cây thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) và có tên khoa học là Polycias fructicosa.
Hình dáng cây đinh lăng: Đinh lăng có nhiều loại khác nhau ở hình dạng và kích thước của lá, có Đinh lăng lá tròn, lá xẻ thùy lông chim, lá kép 1-3 lần. Cây nhỏ, thân nhẵn, ít phân nhánh và cao khoảng 0,8-1,5m. Lá kép mọc so le, có bẹ, mép có răng cưa không đều, chóp nhọn. Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Cụm hoa hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5 nhị, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ hai ngăn có dìa trắng nhạt. Quả dẹt dài 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.
Cây đinh lăng được xem như một vị thuốc quý trong việc bồi bổ sức khỏe. |
Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng: Thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, chống dị ứng.... Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể chế biến thành thuốc. Từ thân cành lá cho đến toàn bộ rễ và vỏ cây (đã trồng được 3 năm). Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú
Nghiên cứu dược lý học hiện đại thì cho thấy, tác dụng của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ có nhiều điểm tương tự sâm Triều Tiên. Trong đinh lăng có các alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B, các axit amin trong đó có lyzin, xystei và methionin là những axit amin không thể thay thế.
Công dụng của cây đinh lăng:
Phòng co giật ở trẻ
Lá đinh lăng chống bệnh co giật cho trẻ em, lấy lá non và lá già phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm.
Thông tia sữa, căng tức sữa
Để thông tia sữa và căng tức sữa thì rễ, lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sửa hiệu quả. Rễ cây đinh lăng 30 - 40gr. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống khi còn nóng.
Chữa đau lưng mỏi gối (chữa cả tê thấp)
Dùng thân cành đinh lăng 20 - 30gr, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
Chữa viêm gan
Rễ đinh lăng 12gr; nhân trần 20gr; ý dĩ 16gr; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12gr; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8gr. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa thiếu máu
Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100gr, tam thất 20gr, tán bột, sắc uống ngày 100gr bột hỗn hợp.
Chữa bệnh tiêu hóa
Lá cây đinh lăng đem sắc lấy nước uống dùng để chữa các bệnh dạ dày như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy. Ở Malaysia, người ta thường sử dụng phương pháp chữa bệnh trĩ bằng cách sắc lá cây đinh lăng thành bột mịn và cho vào một khối dài, xoa bóp trên trực tràng trước khi đi ngủ. Củ và cành đinh lăng được sử dụng để làm sạch nướu, răng và điều trị làm giảm viêm loét miệng.
Những lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng:
Do thành phần Saponin có nhiều trong rễ Đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách. Càng không được dùng rễ Đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3 – 5 tuổi trở lên.
Trước khi dùng cần có tư vấn của bác sỹ Đông y về liều lượng và cách sử dụng cho phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh.
Bảo An (tổng hợp)