Hơn 90 tuổi, lão doanh nhân Đỗ Thế Sử vẫn khiến giới đầu tư ngả mũ kính phục vì ở độ tuổi này ông vẫn trực tiếp điều hành một doanh nghiệp lớn. Mấy ai biết để có được cơ ngơi bề thế cùng 11 người con doanh nhân ông Sử đã phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ.
Vượt khó
“Tôi chỉ có 15 phút để tiếp chuyện với anh. Đúng 9h30, tôi phải vào lớp học tiếng Anh rồi. Buổi chiều tôi lại bận công việc, mong anh thông cảm”, cụ Đỗ Thế Sử mở đầu câu chuyện. Dù đã ở tuổi 91 nhưng lịch học tập và làm việc của cụ Sử kín đặc. Cái lý do đi học tiếng Anh của cụ Sử cũng chẳng giống ai, cụ đi học chỉ đơn giản là không muốn để đầu óc… nghỉ ngơi. Để có 15 phút trò chuyện cùng cụ, tôi đã phải mất mấy lần hẹn. Cụ bảo, vợ chồng cụ mới chính thức nghỉ việc ở công ty từ đầu năm 2013. Đáng ra bây giờ sẽ có nhiều thời gian để nghỉ nhưng cụ không muốn như vậy. Mấy chục năm qua lúc nào đầu óc cụ cũng phải làm việc căng thẳng. Bây giờ, nếu để đầu óc… nghỉ ngơi cụ sợ sẽ trì trệ, thiếu minh mẫn.
Cụ Sử sinh năm 1923, quê xã Chu Minh, huyện Ba Vì (Hà Nội). Cuộc đời cụ Sử cũng trải qua những năm tháng đầy trắc trở. Cụ từng theo đuổi nghề báo và đã trở thành Tổng biên tập của báo Sơn Tây năm 38 tuổi. Thế nhưng, con đông, vợ lại ốm đau liên miên nên cụ Sử đã “nghỉ ngang” để về lo chuyện “tề gia”.
Soi đèn đếm chân con
Năm 1964, cụ Sử trải qua một cú sốc lớn trong đời. Người vợ bao năm má ấp, tay gối đã qua đời bởi cơn bạo bệnh. Lúc này, con cả của cụ Sử mới học lớp 10, đứa út tròn 2 tuổi. Vợ mất, một mình nuôi 9 người con. Đêm ngủ, cụ Sử cứ phải soi đèn một lượt đếm chân xem đã đủ 9 đứa con chưa. Con đông, mỗi tối cụ Sử cho con ngồi thành 2 hàng, ông ngồi ở giữa và cùng học với các con. Thương và nghe lời bố, các con cụ đều chăm ngoan, học giỏi. Mãi đến năm người con út 17 tuổi, cụ mới quyết định đi bước nữa. Người vợ sau của cụ Sử là cụ bà Nguyễn Kim Phương, kém cụ Sử 15 tuổi nhưng cũng chịu cảnh góa bụa, 1 nách nuôi con. Sau khi 2 người kết hôn, họ sinh thêm một người con chung. Tổng cộng, họ có 11 người con, 7 trai, 4 gái. Cả 11 người con của cụ Sử giờ đã thành người nổi tiếng. Trong số họ, hầu hết là doanh nhân, những người được thừa hưởng gene kinh doanh từ cụ Sử. Cụ Sử nghiêm khắc với con nhưng trong việc lựa chọn nghề nghiệp, cụ hoàn toàn để các con tự quyết định. Ai có thế mạnh ở lĩnh vực nào, cụ hướng con vào lĩnh vực ấy. Thế nhưng, dù làm gì, ở đâu, cụ Sử luôn nhắc nhở các con phải sống tốt, sống có đức, sống có ích cho xã hội. Bây giờ các con đã thành danh thì phải xác định không phải làm ra thật nhiều tiền mà phải tạo ra bao nhiêu việc làm, mang đến điều gì đó có ý nghĩa cho người khác...
Hạnh phúc
Nói về những người con của mình, cụ Sử tự hào lắm. Cụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”. Cụ càng mừng hơn cả là 20 đứa cháu và mấy chục đứa chắt đều học rất giỏi. Vợ chồng cụ Sử giờ sống bên cạnh gia đình 3 người con trai trong ngõ Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cụ Sử nói rằng, cụ hạnh phúc nhất là mỗi dịp Tết về. Nhà chỉ có 2 ông bà già nhưng cụ phải sắm đến 2 chiếc tủ lạnh, mỗi cái 60 lít và sắm hẳn 10 bộ bàn ghế. Cứ 1 bữa ăn ngày Tết phải dọn ra đủ 7 bàn, mỗi bàn ngồi 10 người. Tết con cháu, chắt tề tựu đông đủ, đại gia đình lại ngập tràn trong tiếng cười hạnh phúc…
Rời con ngõ Bà Triệu, cơn mưa bụi cuối chiều giăng mắc kín phố nhưng tôi thấy trong lòng ấm áp lạ lùng. Có lẽ những triết lý về con người, cuộc sống mà cụ Sử tâm sự đã bắt đầu len lỏi trong tôi.
“Tôi rất thích câu Khổng Tử “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sự nghiệp với đàn ông rất quan trọng nhưng phải lo cho gia đình, vợ con tử tế trước đã. Gia đình đầm ấm, hạnh phúc lúc đó mới nghĩ được làm gì và làm mới thành công” – cụ Sử cho hay.
Theo PNVN