Gần đây, nhiều vụ học sinh cứu bạn Đuối nước nhưng không cứu được người bị nạn mà còn tử vong. Theo chuyên gia, khi thấy người gặp nạn, trẻ nên cứu người nhưng không phải nhảy xuống nước mà hãy tận dụng những thứ xung quanh an toàn hơn để cứu người.
Những tai nạn thương tâm do cứu bạn
Mới đây, vụ việc hai nam sinh nhảy xuống suối cứu nữ sinh bị đuối nước dẫn đến cả ba học sinh đã khiến nhiều người đau xót.
Cụ thể, ba học sinh tử vong là Đỗ Văn Huy, Nguyễn Hoàng Phi Hùng và Lê Thị Kim Giao (đều là học sinh lớp 7A2 trường THCS Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).
Theo đó, chiều ngày 31/3 do được nhà trường cho nghỉ nên một nhóm học sinh khoảng 10 em tới suối Cả ở xã Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) để tắm.
Trong lúc đùa giỡn với bạn bè, em Giao bị trượt chân ngã xuống khu vực suối Cả. Thấy Giao chới với dưới hồ nước không lên được, em Phi Hùng và em Huy đã nhảy xuống để cứu bạn. Tuy nhiên do nước sâu và không biết bơi nên cả ba đều bị đuối nước.
Trước đó, tại Quảng Nam cũng xảy ra vụ việc tương tự.
Theo đó, khoảng 14h30 ngày 13/3, Trần Duy Khánh (lớp 10/7, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Quế Sơn, Quảng Nam) cùng nhóm bạn đi chặt tre làm cổng trại chào mừng ngày 26/3. Sau khi chặt xong, em cùng hơn 10 học sinh khác cùng lớp rủ nhau tắm suối tại cầu Rù Rì (giáp giới giữa xã Bình Quý, huyện Thăng Bình và xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn).
Trong lúc tắm, Trí, Trinh và Triệu bất ngờ bị hụt chân xuống vũng nước sâu. Thấy các bạn chới với dưới suối, Khánh liền nhảy xuống cứu.
Sau khi đưa được Trinh và Triệu lên bờ, Khánh tiếp tục nhảy xuống suối để hi vọng tiếp tục cứu được Trí. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết và đuối sức nên cả hai đều bị nhấn chìm.
Những vụ cứu người nhưng người bị cứu lại tử vong thương tâm khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng còn lỗ hổng trong việc giáo dục trẻ kỹ năng xử lý khi thấy bạn gặp nguy hiểm? Liệu trẻ có nên cứu người khi bản thân không được trang bị các kỹ năng cần thiết?
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet |
"Dù trẻ biết bơi cũng không nên nhảy xuống sông cứu bạn"
Trả lời vấn đề trên, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội khắng định: Cha mẹ nên dạy cho con phải cứu người khi thấy người chết đuối nhưng quan trọng là phải dạy cho trẻ cách cứu người như thế nào? Phải cứu người nhưng bản thân mình không gặp nạn.
"Tuyệt đối dạy trẻ không được nhảy xuống nước cứu người mà tìm những sợ dây thừng, miếng xốp, khúc gỗ hay những vật dụng nổi để người đuối nước có thể bám vào và nổi lên. Sau đó thì tri hô người đến cứu", TS Thu Hương nhấn mạnh.
Bà Hương lí giải, một đứa trẻ dù có biết bơi nhưng sức lực rất yếu và hạn chế, trong khi người đuối nước do bản năng sinh tồn nên họ sẽ vùng vẫy rất mạnh. Một đứa trẻ biết bơi nhưng khi xuống nước sẽ nhanh chóng bị đuối sức và có thể bị nạn nhân dìm xuống nước. Vì vậy, nhảy xuống nước cứu người là tuyệt đối không nên.
Cũng theo bà Hương, trong trường hợp trên bờ không có các vật dụng có thể vứt xuống để cứu nạn nhân thì vẫn có nhiều cách khác.
"Trong mọi trường hợp tai nạn phải quan tâm đến các số điện thoại cấp cứu, cách kêu cứu để người dân có thể tới trợ giúp. Và quan trọng hơn là những kĩ năng hình thành từ trước đó như: giáo dục cho trẻ những chỗ nào là chỗ chơi an toàn, chỗ nào nguy hiểm và khi chơi gần sông, hồ, suối thì phải cách xa ít nhất mặt nước là bao nhiêu mét...Khi mà tất cả những đứa trẻ đều được giáo dục từ sớm như thế thì sẽ không có những sự cố đáng tiếc xảy ra", bà Hương nhấn mạnh.
Lê Vy