Tin mới

Chặn xe 500 công nhân "vì không chịu ở trọ": Phải xử lý hình sự

Thứ sáu, 24/06/2016, 19:24 (GMT+7)

“Hành vi chặn xe chở công nhân đến làm việc tại khu công nghiệp của những người dân quá khích đủ căn cứ để xử lý hình sự, mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù”, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

“Hành vi chặn xe chở công nhân đến làm việc tại khu công nghiệp của những người dân quá khích đủ căn cứ để xử lý hình sự, mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù”, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Như tin tức đã đưa, sáng 22/6, tại tỉnh lộ 536 vào khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), hơn chục chiếc xe khách đưa đón hàng trăm công nhân tới làm việc tại công ty TNHH điện tử BSE buộc phải dừng bánh cách nơi làm việc hàng trăm mét vì một số người dân chặn đầu xe, không cho vào nhà máy làm việc vì lý do “không chịu ở trọ”.

Việc chặn xe công nhân dẫn đến mất trật tự, ách tắc giao thông. Công an huyện Nghi Lộc, công an xã Nghi Xá phải điều lực lượng tới thuyết phục người dân, giải toả hiện trường. Trưa nay, tình trạng lộn xộn mới được vãn hồi.

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Rất đông công nhân bị chặn xe vì không chịu ở trọ - Ảnh: Báo Giao thông

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, có thể nói rằng vụ việc này là thêm một "chuyện lạ" ở Việt Nam. Hành vi chặn xe chở công nhân, không cho xe đưa đón công nhân hoạt động để buộc công nhân phải ở trọ của các gia đình xây phòng trọ gần khu công nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Cường dẫn Điều 3, Luật cư trú quy định quyền tự do cư trú của công dân như sau: "Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.".

Điều 5, Luật cư trú cũng quy định: "Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh. Nhà nước có Chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho hoạt động đăng ký, quản lý cư trú.".

Điều 8, Luật cư trú cũng quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm: Cấm cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

“Như vậy, với các quy định pháp luật nêu trên thì hành vi "dồn dân", ép công nhân phải thuê trọ gần Khu công nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, mức độ nghiêm trọng có thể xử lý hình sự. Hành vi vi phạm quyền tự do cư trú trong trường hợp này thể hiện bằng hành động chặn xe chở công nhân, gây ách tắc giao thông, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị, an toàn xã hội nên những người ép công nhân vào khu trọ trước tiên sẽ bị xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng và có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự”,  luật sư Cường nhận định.

[mecloud]wZszxTqK3U[/mecloud]

Đề cập đến lý do chặn xe vì công nhân không ở trọ, theo luật sư Cường lý do này hoàn toàn không thuyết phục. Nếu như khi thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp mà chính quyền địa phương hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho các hộ dân thì trách nhiệm giữ lời hứa, thực hiện lời hứa thuộc về "những người hứa" chứ không thể đổ lên đầu những người công nhân làm thuê hay các doanh nghiệp được. Dưới góc độ pháp lý thì khi thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế... thì mọi quyền lợi của người bị thu hồi đất đều thể hiện ở Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

“Nếu chính quyền địa phương không thực hiện đúng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, theo quyết định của UBND cấp huyện thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính để đòi hỏi quyền lợi, chứ không thể đổ trách nhiệm lên đầu những người công nhân làm thuê cho doanh nghiệp được”, ông Cường nêu quan điểm. 

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Về hình phạt những người cầm đầu, kích động dân chúng chặn xe đưa đón công nhân vi phạm, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Trong vụ việc nêu trên hành vi chặn xe chở công nhân theo báo chí đăng tải đủ căn cứ để xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 BLHS. Theo đó, người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

“Như vậy, hành vi chặn xe chở công nhân đến làm việc tại khu công nghiệp gây ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ, cản trở sự hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp do ngừng sản xuất, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... của những người dân quá khích đủ căn cứ để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự, mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù nếu hậu quả được xác định là "có phá phách; có dùng hung khí; xúi giục người khác gây rối; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng" theo quy định tại khoản 2, Điều 245 BLHS”, Luật sư Cường cho biết.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.".

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 thì Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

"a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên; d. Chết người; đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên; e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên; h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không".

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news