"Lũ bạn chung nhà với mình đứt hết dây thần kinh xấu hổ rồi. Cứ thấy cái gì ăn được là chúng nó gặm sạch không sót 1 mẩu nào luôn! Vô phương cứu chữa. May mà còn mì tôm cứu đói, đơn giản chỉ vì... chúng nó không biết nấu mì".
Nếu được đi du học ở những đất nước tươi đẹp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc... điều bạn mong đợi nhất là gì? Trường học, phố xá hiện đại, sạch sẽ, những hàng cây lá đỏ, mùa tuyết rơi... hay là một tình yêu lãng mạn như mơ với một anh chàng hoặc cô nàng ngoại quốc nào đó? Xin lỗi nếu lỡ tay "bóp" vỡ bong bóng mơ mộng của bạn, nhưng đây mới là hiện thực khi đi du học này.
"Tôi là , và mọi người có biết nỗi sợ thầm kín mỗi ngày của tôi là gì không? Ồ, chẳng phải là việc học hành, bài vở, thi cử hay nào đó đâu nhé. Mà thay vào đó là việc... dùng tủ lạnh, tủ đông chung xong về đến nhà phát hiện ra: thức ăn bị hội bạn cùng nhà ĂN HẾT SẠCH!
Tôi ở , dùng chung bếp và phòng khách với 4 du học sinh nữa đến từ 4 quốc gia khác nhau luôn. Tôi thề là không thể hiểu nổi, mang tiếng toàn sinh viên trường danh tiếng, có học, con nhà có điều kiện mà hở ra là gặm hết đồ ăn của người khác. Hôm thì tôi phát hiện bị ăn hết hộp kem ngon vô cùng vừa mới mua. Hôm thì bị lũ ở cùng chén hết lốc sữa chua. Hôm thì bị uống trộm sữa. Tôi đánh dấu hẳn tên lên đồ của mình, vẽ vạch theo từng chút một trên can mà họ vẫn uống được, tài thật!
Lời nhắn gửi cực dễ thương nhưng bị phớt lờ không thương tiếc. Tạm dịch: "Xin lỗi vì sự bất tiện này. Tớ vừa mua 2 chiếc pizza, nhưng tủ của tớ bị đầy nên tớ muốn gửi nhờ trong tủ của các bạn, nhưng chưa kịp xin phép. Nó sẽ không ở trong đó lâu đâu và tớ hi vọng không làm phiền mọi người. Chúc 1 ngày tốt lành. Henry Vo".
À về bức ảnh trên, thì đại khái là tôi mua 2 chiếc pizza về để dành, tủ tôi bị đầy nên tôi gửi tạm sang ngăn tủ chúng nó (trước đây chúng nó để bừa bãi tủ mình, mình rất tử tế, chưa bao giờ ăn vụng hay than thở gì, nên cứ nghĩ tốt là chắc chúng nó không gặm mất đâu). Tôi cẩn thận nên vẫn phải viết giấy dán lên cả tủ lạnh tủ đông với nỗi niềm hy vọng 2 cái pizza sẽ 'sống sót' đến cuối tuần".
Có ai hồi hộp tò mò về số phận 2 chiếc pizza ấy không ạ? Vâng, rất tiếc chúng đã "bốc hơi" không dấu vết, để lại nỗi đói lòng vô bờ bến cho chàng du học sinh tội nghiệp Võ Trần Hải Bằng (nickname Henry Vo, 22 tuổi, đang ở London, Anh Quốc). Sang đất nước sương mù từ tháng 8/2016, từng chuyển chỗ ở vài lần, vốn tính sạch sẽ ngăn nắp nên Hải Bằng luôn chọn những căn hộ gọn gàng, đầy đủ tiện nghi. Chỉ tiếc là chàng trai Hà Nội số hơi "nhọ", toàn phải chia sẻ nhà thuê với những người bạn quốc tế có lối sống không mấy lịch sự.
Chàng du học sinh điển trai đang gây "bão" vì status bi hài kể chuyện sống chung với lũ bạn "ăn chùa".
Căn hộ sáng sủa gọn gàng của Hải Bằng trước khi có đám bạn "hải tặc" đến sống chung.
Nước mắt lưng tròng, dù không thích nói xấu ai cả nhưng Hải Bằng bất lực bởi 1 tấn bi kịch mỗi ngày: "Lũ bạn chung nhà với mình đứt hết xấu hổ rồi. Cứ thấy cái gì ăn được là chúng nó gặm sạch không sót 1 mẩu nào luôn! Vô phương cứu chữa. May mà còn mì tôm cứu đói, đơn giản chỉ vì... chúng nó không biết nấu mì.
Và sau khi 4 người bạn cũng là du học sinh đến từ các quốc gia khác nhau xuất hiện...
Dù có thùng rác nhưng họ sẵn sàng bày bừa khắp nhà như "thổ dân".
Thuốc lá, vỏ bánh kẹo, vỏ chuối, nho ăn dở vứt bừa bãi... khiến anh chàng sạch sẽ muốn khóc khi trở về nhà.
Bằng chứng ghi lại nỗi bức xúc sau khi đi học về thấy nhà cửa "tanh bành" của chàng du học sinh Việt tội nghiệp.
Trước đây chúng nó toàn ăn xong không dọn, để nấm mốc rong rêu mọc đầy ra, khi nào hết bát đũa mới chịu đi tráng qua để ăn tiếp. Rác thì tọng liền mất túi to chình ình như nhồi bom, ai đời để rác mấy ngày liền trong phòng khách mà vẫn ở được không? Hồi đầu tụi nó mới về, mình cũng dọn dẹp, nhưng sau biết tính nên kệ, không thể chịu nổi, xài đồ dùng riêng luôn.
Mà đâu chỉ có vậy, 4 thằng chung nhà suốt ngày lôi bạn bè về party ầm ĩ, quậy phá đủ kiểu. Mình đã than phiền xuống lễ tân tòa nhà nhưng hiện tại quá đông du học sinh nên hết phòng không còn chỗ trống để chuyển".
Đọc xong câu chuyện của Hải Bằng, vô số đã nhốn nháo lên tiếng chia sẻ, đặc biệt là hội du học sinh Việt trên khắp thế giới. Hóa ra người chưa đi thì mộng tưởng, người đi rồi mới biết cuộc sống ở nước ngoài chẳng sung sướng như suy nghĩ, kể cả có tiền cũng gặp phải đủ thứ hầm bà lằng đau đầu nhức óc y như Bằng vậy.
Dù cố gắng cư xử lịch thiệp, nhắc nhở về chuyện ăn uống, nhưng Hải Bằng cứ mua đồ ăn về nhà là kiểu gì cũng "mất tích".
Không những thế, cậu bạn còn được "ưu ái" với đống bát đĩa bẩn tích tụ ngày này qua tháng khác.
Thậm chí dọn xong rồi bạn cùng phòng lại tiếp tục bày ra đến mốc meo.
May mắn cho Hải Bằng, cuối cùng cũng có người thấu hiểu bi kịch nên đã giúp cậu than phiền lên quản lý KTX.
Chịu đựng bi kịch sống chung với hội bẩn thỉu bừa bãi là bạn Nhân Mã, cũng ở London như Hải Bằng: "Chỉ có du học sinh mới hiểu nỗi khổ bị tranh giành, cướp bóc đủ thứ từ lũ bạn tứ xứ mà bất lực không làm gì được. Hồi mới sang Anh tớ cũng share phòng với mấy đứa nước khác, trời ơi vừa ở dơ vừa tham ăn, bạ đâu dùng đấy, con gái gì mà xà bông dầu gội cũng chẳng thèm mua, toàn dùng ké của mình xong vứt lăn lóc ra làm mình è cổ ra dọn".
Rất nhiều thành viên mạng nhảy vào an ủi Hải Bằng, khuyên anh chàng nên bình tĩnh chờ cơ hội "tố cáo" lũ bạn cùng phòng vô ý thức, không nên bức xúc kẻo lại ẩu đả nhau. Cũng có người không quan tâm đến chuyện mà Bằng kể, chỉ xuýt xoa khen anh chàng... chữ đẹp. Vài người vui tính hiến kế cho chàng du học sinh trả đũa lại, bằng cách tìm mua mắm tôm về nhét đầy trong tủ xem đứa nào dám "ăn chùa" nữa không? Hoặc pha thuốc xổ vào sữa, trộn đồ ăn lung tung lên để cho hội cùng phòng vô duyên ấy được một bài học nhớ đời.
Đi du học rồi mới hiểu mọi thứ không hoàn toàn đẹp đẽ dễ chịu như tưởng tượng.
Ngoài áp lực học hành, còn vô vàn khó khăn khác trong sinh hoạt, giao tiếp, part-time trang trải cuộc sống...
Hoàn cảnh như Hải Bằng tuy chỉ là số ít thôi nhưng cũng là 1 trong vô vàn khó khăn mà du học sinh Việt phải đối mặt khi xách vali một mình sang xứ người. Chàng trai 22 tuổi tiết lộ thêm: "Vì ở thủ đô nước Anh nên cái gì ở đây cũng đắt. Tiền phí thuê nhà của mình hiện tại khoảng 800 bảng/ tháng (khoảng 24 triệu tiền Việt - PV). Hóa đơn điện nước, mạng, an ninh đã bao gồm trong đó nên hầu như không có chi phí phát sinh. Tiền đi lại 1 tháng khoảng 90 - 100 bảng (~ 3 triệu tiền Việt) chỉ riêng dành cho việc tới trường, học hành.
Mình biết nấu ăn nên cũng cố gắng đi siêu thị mua đồ về tự nấu, tháng nào chăm nấu cơm thì mất khoảng 100 - 150 bảng tiền chợ, còn ăn ngoài thì tất nhiên đắt hơn. Dạo này bận ôn thi nên toàn mua đồ ăn vặt mang lên thư viện, tiết kiệm được kha khá. Khổ mỗi cái là đồ ăn mang về nhà chẳng bao giờ được vào mồm thôi".
Mức chi tiêu ở London thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì thế giới, nên du học sinh cũng khá vất vả để cân bằng.
Nhưng dù ở nước nào thì hội du học sinh Việt cũng luôn đoàn kết, chia sẻ với nhau để vượt qua mọi khó khăn.
Dù chẳng giàu có mấy và phải chịu đựng hội bạn chung nhà bị "đứt dây thần kinh xấu hổ", nhưng không vì thế mà Hải Bằng cảm thấy tồi tệ. Cuộc sống ở bên xứ sương mù vẫn rất nhiều điều thú vị mỗi ngày, anh chàng thích tuyết rơi dù biết nó ướt át lạnh lẽo, thích mỗi sáng mua 1 rồi vừa tới trường vừa nhấm nháp cafe đọc báo, thích những chiều đi học về chờ bạn cùng phòng ra ngoài hết rồi tự nấu nướng, ngồi trên cửa sổ phòng tầng 4 ngắm con đường lá rụng phía dưới.
Thỉnh thoảng, Bằng góp tiền với các bạn đồng hương để cùng nhau ăn một bữa lẩu, tụ tập cuối tuần cắm trại trong công viên, tham dự những cuộc thi ngoại khóa thú vị, gặp gỡ làm quen với hàng trăm người bạn ngoại quốc mới... Một mình sống ở thành phố cách xa quê hương hơn 5.000 km, những điều nhỏ nhắn ấy đủ khiến chàng trai 22 tuổi dần trưởng thành và biết đón nhận thế giới một cách sâu sắc, rộng mở hơn.