Tin mới

Chàng trai bị cụt ngón, suýt bỏ mạng chỉ vì thói quen bẻ khớp ngón tay

Thứ tư, 07/02/2018, 15:15 (GMT+7)

Sau khi bẻ khớp, chàng thanh niên đã vô tình cạo trúng một vết thương sẵn có trên ngón tay khiến các vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập, làm nhiễm trùng vết thương.

Sau khi bẻ khớp, chàng thanh niên đã vô tình cạo trúng một vết thương sẵn có trên ngón tay khiến các vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập, làm nhiễm trùng vết thương.

Mới đây, Antoine Boylston - một công nhân sống tại Lexington, Kentucky đã suýt bỏ mạng vì thói quen này.

Cụ thể, Boylston đã tưởng như ngón út của anh bị gãy sau khi bẻ khớp, vì cơn đau gây ra quá lớn. Nhưng chỉ ngay ngày hôm đó, anh cảm thấy cơ thể không hề ổn - choáng váng, buồn nôn, sốt... Ngón tay thì tím bầm, sưng tấy và đầy đau đớn.

Boylston đã phải nhập viện để điều trị nhiễm trùng vì thói quen bẻ khớp

Boylston nhanh chóng được đưa vào viện, và tại đây mọi chuyện đã được giải đáp. Hóa ra khi bẻ khớp, anh đã vô tình cạo trúng một vết thương sẵn có trên ngón tay, khiến lớp vảy bong ra và chảy máu. Tất cả đã tạo điều kiện cho các vi khuẩn "ăn thịt người" xâm nhập, làm nhiễm trùng vết thương một cách trầm trọng.

"Tôi đã nghĩ khuẩn ăn thịt người là thứ chỉ thấy trên phim ảnh, chứ không phải khi bạn bẻ ngón tay quá nhiều. Tôi rất thích bẻ khớp, và cũng chẳng suy nghĩ quá nhiều về chuyện đó. Giờ thì hối chẳng kịp" - Boylston đau khổ chia sẻ.

Boylston đã phải phẫu thuật khẩn cấp, với quy mô là toàn bộ cánh tay. Lý do là vì vi khuẩn đã lây lan đến tận khuỷu tay rồi.

"Bác sĩ cảnh báo tôi có thể mất bàn tay, nhưng nếu không quyết định nhanh, có thể là cả cánh tay, thậm chí giờ này tôi đã chết rồi."

 

May mắn là Boylston không gặp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ngón tay út của anh phải bị cắt bỏ. Da cánh tay được thay thế bằng một mảng da đùi, vì trước đó vi khuẩn đã khiến nó hoại tử mất rồi.

Bên cạnh đó, việc mất ngón út cũng khiến bàn tay của Boylston không còn linh hoạt nữa. Lý do là vì khả năng cầm nắm của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào ngón út. Thiếu đi nó, thì ngoại trừ ngón cái và ngón trỏ, các ngón còn lại đều không hoạt động bình thường được.

"Đó có lẽ là nỗi đau lớn nhất mà tôi từng phải chịu." - Boylston đau đớn chia sẻ.

Nhiều người khẳng định, bẻ khớp tay nhiều rất hại cho sức khỏe. Nó khiến các khớp tay trở nên to hơn, theo đó, bàn tay cũng thô và cứng hơn. Đáng lo ngại hơn là nguy cơ thoái hóa và viêm mặt sụn khớp. Lý do được đưa ra là mỗi lần như vậy, khớp càng bị tổn thương và kéo theo tế bào sụn sẽ bị vi chấn thương. Nếu các vi chấn thương trên cùng một ổ khớp tích tụ nhiều, lâu dầu sẽ hao hụt chất sụn.

Nghiêm trọng hơn, nguy cơ các khớp xương bị phì đại khi các mô xung quanh khớp ngày càng sung có thể khiến đôi tay mất dần cảm giác chắc chắn khi cầm nắm các vật. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng cụ thể khẳng định điều này.

Thói quen bẻ khớp tay từ lâu đã khiến giới khoa học chia làm hai nửa đối địch. Một bên cho rằng việc bẻ khớp làm tăng nguy cơ viêm khớp, trong khi nhóm còn lại thì tin việc bẻ khớp chẳng có vấn đề gì cả.

Bên cạnh đó, Robert D. Boutin - bác sĩ X quang và Robert Szabo - bác sĩ phẫu thuật, đã phân tích các dữ liệu thu được từ 40 đối tượng thử nghiệm, trong đó 30 người có thói quen bẻ khớp ngón tay và 10 đối tượng khác không bao giờ làm điều này.

Kết quả cho thấy, hành động này có tác dụng khởi động cho các khớp. Các thử nghiệm cũng đưa ra kết quả tương tự. Ngoài ra, những người thích bẻ đốt ngón tay không bị sưng, viêm khớp, hoặc các bệnh khớp khác. Nó có thể là một chiến thuật phòng chống tốt cho bệnh khớp nhưng vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu chính xác.

Tuy nhiên, dù đây là thói quen tốt hay xấu, bạn cũng nên nhớ rằng, bẻ khớp tay có thể là một triệu chứng của chứng rối loạn thần kinh. Do đó, hạn chế thói quen này vẫn là lựa chọn tối ưu.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news