Đó là câu hỏi được GS. Nguyễn Ngọc Lung - Nguyên vụ trưởng Vụ Khoa học Lâm nghiệp đưa ra trước kế hoạch chặt hạ cả trăm cây lim xanh tại rừng bảo tồn Tam Quy (Hà Trung, Thanh Hóa) với lý do phục vụ một đề tài khoa học.
Liên quan đến vụ việc 25 cây lim xanh hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ ngay trong Khu Bảo tồn thiên nhiên tại xã Hà Tân, Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp - Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc chặt hạ lim nằm trong kế hoạch “Chặt lim xanh nhằm bảo tồn loài sến mật” đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua.
Ông Sơn giải thích, đặc trưng của rừng sến Tam Quy là sến và lim sống xen kẽ nhưng sến là chủ yếu. Tuy nhiên, cây lim đang chèn ép không gian dinh dưỡng của cây sến do cao hơn, che hết ánh sáng. Vì thế, cây sến chết dần dẫn đến nguy cơ rừng bị thay thế bởi cây lim trong vài chục năm nữa, nếu chúng ta không có sự can thiệp.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Lung, về mặt lý thuyết, những lý giải của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Văn Sơn là đúng. Thực tế, cây sến mật trưởng thành ưa ánh sáng. Nếu sến ở tầng thấp dưới tán lim xanh thì sẽ bị còi cọc, chậm lớn. Tuy nhiên, đấy chỉ là luận giải về mặt khoa học lâm sinh. Còn đề tài triệt hạ lim xanh gây xôn xao dư luận chính là vì nhiều dấu hỏi liên quan đến vụ việc chưa được phía đơn vị thực hiện đề tài giải đáp thỏa đáng.
Lim cổ thụ đã bị chặt hạ nhưng không ai biết tiền bán lim sẽ được dùng vào việc gì (Ảnh: Dân trí)
Theo phân tích của Giáo sư Lung, để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học, bao giờ cũng có mục “thuyết minh đề tài”. Và trong phần thuyết minh (cụ thể đối với đề tài ““Nghiên cứu giải pháp bảo tồn nguồn gen sến mật tại Tam Quy” này), chủ nhiệm đề tài nhất thiết phải đưa ra phương pháp nhân rộng cây gỗ sến (bằng biện pháp tra hạt hay trồng cây con?); biện pháp làm thông thoáng các tầng che cho cây sến mọc; đề tài có đề cập đến vấn đề chặt cây không? Tỉa lim có phải là một trong những tiểu mục thuộc đề tài? Chủ nhiệm đề tài tỉa lim xanh có đề cập đến chuyện đứng ra bán gỗ hay sẽ nộp số gỗ này về Trung tâm? Và còn cả tiền bán lim nữa, khoản tiền không nhỏ này sẽ được đưa về đâu?...
“Không ai rõ số tiền bán lim này sẽ được dùng vào việc gì; được sung vào công quỹ hay là khoản tiền thêm vào đề tài để giảm thiểu phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước… Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, khi mà mấy chục cây lim xanh đã bị triệt hạ, những nghi vấn này dường như vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng” – GS. Nguyễn Ngọc Lung cho hay.
Còn theo ý kiến của ông Đoàn Diễm – chuyên gia cao cấp về lâm nghiệp, mặc dù việc chặt lim xanh đã được tiến hành nhưng đề án triệt hạ lim xanh để bảo tồn sến mật được thực hiện như thế nào, quy mô ra sao hay thời gian thực hiện kéo dài bao lâu thì dường như không ai nắm rõ.
Ông Diễm phân tích, thông thường, cơ quan thực hiện đề tài sẽ xây dựng ô định vị và ô đối chứng để tiến hành đo đếm hàng năm. Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu rừng tự nhiên là khó thực hiện vì Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho giai đoạn 3 năm nên không thể kết thúc đề tài này trong thời gian ngắn. Thậm chí theo như ông Sơn đã cho biết trước đó, có thể phải mất 15 đến 20 năm sau mới có thể đo được mức độ thành công. Vì vậy, đề tài này khó có tính khả thi.
“Tôi không rõ ô quy mô định vị tại khu bảo tồn Tam Quy nên chưa khẳng định việc chặt 100 cây lim xanh cổ thụ ở đây là bất hợp lý. Tuy nhiên, khi chưa có cơ sở khoa học rằng chặt lim mới bảo tồn được sến thì chỉ nên thực hiện việc chặt cây trên quy mô nhỏ” – ông Diễm nhận định.
Theo nhận định của Đoàn Diễm, việc thực hiện đề tài nghiên cứu trong khu rừng đặc dụng này là được phép và thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc chặt hạ số lượng lớn cây cổ thụ quý hiếm như vậy cần có ý kiến của các cơ quan khoa học để đảm bảo tính khách quan.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp Thanh Hóa nói đề tài nghiên cứu này có sự tham gia của PGS.TS Võ Đại Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) nhưng chính ông Hải đã lên tiếng phủ nhận sự góp mặt của mình trong nghiên cứu này. Ông Hải trả lời, cho tới thời điểm này, ông còn chưa nắm được bất kỳ một thông tin nào về đề tài khoa học tỉa rừng nói trên. Theo đó, đề tài do ai chủ nhiệm, bắt đầu nghiên cứu từ thời điểm nào, thời điểm kết thúc nghiên cứu là bao giờ, kinh phí cho nghiên cứu là bao nhiêu hoặc chặt lim xanh có phải là một trong những tiểu đề án của đề tài hay không… đều là những chuyện xa lạ với ông.
“Như vậy, tôi cũng không biết đơn vị thực hiện đề tài cộng tác với những nhà khoa học lâm nghiệp nào mà lại khẳng định là hoàn toàn khách quan” – ông Diễm cho hay.
Vũ Đậu