Các bậc phụ huynh thời hiện đại thật vật vả, mệt mỏi khi ngay từ lúc con trẻ còn bé đã phải lo đối mặt với dịch bệnh, đến khi chúng đứng trước ngưỡng cửa của giáo dục thì có lẽ quá trình “chạy marathon” xin học của lũ trẻ mới chính thức bắt đầu. Cứ thế mà lo từ mẫu giáo cho tới đại học và có thể chuyện xin học cho con cháu sẽ là nỗi sợ ám ảnh với nhiều bậc làm cha, làm mẹ bởi với thời buổi hiện nay, ngoài chuyện may mắn “bốc thăm” trúng tuyển ra thì chuyện mất “chi phí” cũng là điều hầu như gia đình nào cũng gặp phải khi có con đến tuổi đi học.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dân số tại Thủ đô tăng nhanh, mỗi năm, học sinh đến tuổi học mầm non tăng từ 30.000-35.000 trẻ, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công trên địa bàn có hạn. Chính vì thế mà hầu hết tại các trường ở Hà Nội đều phải tổ chức tuyển sinh theo hình thức bốc thăm để công bằng, đỡ xảy ra lộn xộn và không để xuất hiện tình trạng phụ huynh thức trắng đêm mua hồ sơ cho con. Tuy nhiên, cách tuyển sinh theo kiểu may rủi này cũng vẫn khiến phụ huynh dù con trong diện đúng tuyến cũng thấp thỏm không yên.
“Bốc thăm” may rủi?
Trường mầm non Chu Văn An là một trong những trường “hot” của quận Tây Hồ bởi trường mới được xây, cơ sở vật chất lại khang trang khiến nhiều gia đình đổ xô đến đăng ký cho con vào học. Để tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng từ lúc trời vẫn còn nhá nhem tối, trường đã ra thông báo tổ chức tuyển sinh từ 8h sáng bằng cách bốc thăm. Thế nhưng, dù không phải thức đêm nhưng từ 5-6h sáng nhiều phụ huynh vì không yên tâm nên đã đứng chen lấn ở cổng chính, có gia đình còn mang sẵn cả chiếu ra ngồi chờ xếp hàng đợi bốc thăm.
Tương tự, dù 7h30 sáng ngày 1/7, trường mầm non Hoa Sen (phường Văn Quán, Hà Đông) mới thực hiện kiểm tra và phát hồ sơ nhưng từ 4h sáng đã có không ít phụ huynh có con ở độ tuổi 2 tuổi và 5 tuổi đã có mặt tại trường để chờ xin học cho con. Dường như các phụ huynh đang tự làm khổ mình hay họ cũng đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra để lo xa đến thế?
Trong khi đó, do số lượng trẻ đăng ký vào trường mầm non An Dương năm nay tăng hơn năm ngoái, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường không nhiều, vì thế, hình thức bốc thăm cũng được trường áp dụng để “sàng lọc” học sinh. Tuy nhiên, cách tuyển sinh công khai này cũng khiến cho không ít phụ huynh đau tim và hụt hẫng khi con mình bị trượt chỉ vì…vận đen. Chị Thu Hương (trú tại Nghi Tàm) cho biết “Tôi rất muốn cho con gái vào học trường này, vừa gần nhà, cơ sở vật chất lại mới. Trước đọc thông báo thấy trường tuyển sinh bằng cách bốc thăm, trúng thì được vào và ngược lại; tôi đã hỏi han tìm cách chạy nhưng không tìm được cửa. Hôm đi bốc thăm đành trông chờ vào vận may. Cuối cùng, may chẳng thấy đâu, bốc phải thăm trượt khiến tôi càng thêm lo lắng, không biết cho con đi học chỗ nào, học ở trường tư thì đắt mà chất lượng cũng không biết thế nào”.
Trong khi đó, chị Mai Linh (nhà tại Minh Khai) chia sẻ: “Trước hôm đi bốc thăm, tôi đã thao thức cả đêm không ngủ được vì lo bốc phải thăm trượt. May lúc bốc thăm thấy có cái phiếu có dấu bút bi đỏ nên tôi cứ thử bốc lấy và lúc xướng tên trúng tuyển thì “mừng như bắt được vàng”.
Với việc đánh dấu thăm như trên, có lẽ việc “may rủi’ cũng không phải là chỉ nhờ “vận” mà còn nhờ tiền và quen biết. Vì thế, tiếng là công khai, minh bạch nhưng “cái bóng” của nó cũng vẫn khá lớn. Chẳng trách gì mà các bậc phụ huynh vốn đã nghe quen tai chuyện chạy chọt vẫn thấy lo lắng mà xếp hàng từ sớm, những mong lấy sự hy sinh sức người ra để “đền đáp” thay cho “sức của”. Nhưng không phải ai cũng có đủ sự “may mắn” và kinh tế khá giả để bốc được những chiếc thăm đánh dấu, ngoại trừ nhanh tay nhanh mắt “đột biến” như chị Linh.
“Ngã giá” thẳng thừng
Cùng với cấp mầm non, cấp tiểu học đến THPT cũng khiến nhiều phụ huynh phải chật vật, chạy đôn chạy đáo lo chuyện xin học cho con. Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 chia sẻ: “Con tôi thuộc diện đúng tuyến vào trường tiểu học V.C. nằm trên đường Khâm Thiên, Đống Đa, nên tôi cũng không lo nghĩ chạy vạy đi xin ở trường khác. Thế nhưng hôm đi gặp Hiệu trưởng, cô bảo muốn vào được lớp chọn thì cần đóng thêm 2 triệu. Lúc đó tôi lại không mang nhiều tiền trong người, chạy đi vay tiền mọi người xung quanh cũng chỉ gom góp được 1.500.000 đồng. Cũng may cô thương tình, thấy tôi vất vả nên bớt cho 500.000 đồng”.
Cũng giống vị phụ huynh trên, anh Hải Đăng (trưởng phòng marketing tại một công ty nước ngoài) đã xác định ngay từ đầu là phải mất nhiều tiền, nhọc công chạy các mối, các cửa để xin vào trường THCS Giảng Võ, vì con anh thuộc diện trái tuyến. Theo một mối lái chuyên chạy vào trường này cho biết, nếu tìm được “cửa” trực tiếp thì vào trường này chỉ mất… khoảng 1.700-1.800 USD, còn nếu đi “đường vòng” thì cũng phải mất gần 2.500 USD.
Thậm chí, với số tiền “đầu tư” như thế, dù nhận được giấy báo trúng tuyển, các bậc phụ huynh và con em họ cũng chưa “chắc chân” vào trường. Chẳng hạn như trường hợp của khoảng 20 học sinh vào lớp 10 mới đây, dù nhận được giấy báo trúng tuyển vào một trường THPT trên đường Bà Triệu (Hà Đông), nhưng trên đó lại không ghi thông tin ngày nhập học khiến nhiều phụ huynh đến làm thủ tục bị muộn. Vị hiệu trưởng cho hay đã nộp hết hồ sơ lên Sở GD, tuy nhiên cô vẫn có thể “giúp” được nếu phụ huynh có hồ sơ kèm phong bì 10 triệu đồng đi cùng. Vậy nhưng cũng chưa chắc chắn khi người đứng đầu nhà trường vẫn nói “nước đôi” rằng, nếu việc không xong sẽ trả lại tiền.
Thế mới biết, việc học hành tại Việt Nam vất vả cho trẻ, khổ sở cho cha mẹ ra sao. Thậm chí, ngay trong môi trường giáo dục cũng đã “rèn” cho các phụ huynh trước kia coi việc đi học là đương nhiên, giờ cũng đã nghĩ khác, đã biết “chạy”, biết gõ cửa, biết đưa phong bì cho mọi việc trót lọt. Đây là hậu quả của việc lương giáo viên thấp hay là “sự hư hỏng” của cả xã hội, ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục?. Tuy nhiên, mọi sự đổ lỗi chỉ mang tính chất biện minh, còn với một môi trường cần sự trong sáng, rèn giũa con người mà những vấn nạn trên vẫn tiếp diễn và không thấy có dấu hiệu chấm dứt, quả là giáo dục Việt đang đi con đường chẳng giống ai chứ không riêng gì môn ngoại ngữ.
Nguồn: Sống Mới