Ngày 12/11, các trang New York Times, Guardian… đã đồng loạt đăng tin về việc các nhà nghiên cứu (gồm cả Việt Nam và nước ngoài) tại Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation, GWC) - một tổ chức phi chính phủ ở Texas (Mỹ), vừa phát hiện loài cheo cheo lưng bạc (hay hươu chuột) ở thành phố biển Nha Trang.
Lần đầu tiên sau gần 30 năm, người ta chụp được ảnh cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam. Ảnh: GWC
Được biết, đây là lần đầu tiên người ta chụp được ảnh cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam trong gần 3 thập niên. Lần cuối cùng sự xuất hiện của loài này được ghi nhận cách đây là khi một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga thu được xác một con cheo cheo lưng bạc từ một người thợ săn.
Các nhà khoa học cứ nghĩ rằng loài vật bé nhỏ này - nằm trong danh sách 25 loài mất tích đang được tìm kiếm nhiều nhất của GWC và chúng trở thành nạn nhân của ngành buôn bán động vật hoang dã trái phép và đã biến mất trong tự nhiên.
GWC đã lắp đặt camera trong 5 tháng tại những khu vực mà người dân địa phương tường thuật có sự xuất hiện của cheo cheo lưng bạc. Tổ chức này đã ghi nhận 275 bức ảnh về loài vật này. Sau lần đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thiết lập 29 camera khác trong cùng khu vực và tổng cộng thu được 1.881 bức ảnh về cheo cheo lưng bạc trong 5 tháng vào năm 2018.
Cheo cheo lưng bạc hay còn gọi cheo cheo Việt Nam hoặc hươu chuột Việt Nam là một loài động vật guốc chẵn trong họ cheo cheo. Chúng có ngoại hình giống hươu nhưng không có tuyến lệ. Toàn thân loài vật phủ lông màu nâu đỏ mịn và mượt, trong khi vùng ngực và dưới bụng có 3 vệt lông trắng song song với thân. Con đực và con cái đều không có sừng.
Cheo cheo Việt Nam lần đầu tiên được biết đến và mô tả bởi các nhà khoa học vào năm 1910, khi 4 mẫu vật được thu thập quanh Nha Trang. Sau đó, không có ghi nhận khoa học nào về sự tồn tại của loài này cho đến năm 1990, khi người ta thu được xác của một con cheo cheo lưng bạc từ một thợ săn ở miền Trung Việt Nam.