Bên cạnh những bức ảnh về các đám cháy rừng Amazon và thiệt hại kinh hoàng, những ngày qua, Cộng đồng mạng còn đồng loạt chia sẻ các bức ảnh chụp động vật đau đớn, bị bỏng, bị chết. Các bức ảnh này đều nói đó là hậu quả của cháy rừng Amazon. Tuy nhiên, thực tế những bức ảnh này đều không phải được chụp từ đám cháy rừng Amazon.
Đây những bức ảnh được đăng lên kèm theo thông điệp động vật bị chết do cháy rừng Amazon. Ảnh: Reprodução
Có bài đăng còn kêu gọi chính phủ Brazil chịu trách nhiệm cho hậu quả của đám cháy. Tuy nhiên, cả 4 bức ảnh chụp động vật ở trên đều không xảy ra tại rừng Amazon. Thậm chí, có một bức ảnh còn không liên quan gì đến bỏng do cháy rừng.
Bức ảnh đầu tiên chụp một con vật chạy khỏi đám cháy do nhiếp ảnh gia Júnior F. Silva chụp ngày 17/8/2011. Theo chú thích của tác giả, đây là một đám cháy xảy ra tại một bãi lau sậy ở Sertãozinho, Sao Paulo.
Bức ảnh thứ hai chụp một con báo đốm bị thương, được chụp vào năm 2016 . Nó được đăng trên cổng thông tin Gente de Opinião để cảnh báo về tình trạng xe cộ gây tai nạn cho động vật ở bang Rondônia, Brazil.
Thứ ba là ảnh chụp xác một con thú ăn kiến trên cánh đồng bị đốt cháy. Nó xuất hiện trên trang Diário Regional từ ngày 20/5/2011. Theo chú thích, bức ảnh này nói con vật gặp nạn do vụ đốt phá bất hợp pháp tại một trang trại ở Sao Paulo.
Còn bức ảnh cuối cùng, chụp một lính cứu hỏa cho một con vật uống nước, xuất hiện trên truyền thông vào ngày 17/8/2019. Theo chú thích, đây là đám cháy xảy ra tại một cánh đồng rộng 766ha ở bang Mato Grosso, Brazil.
Bức ảnh con khỉ mẹ đang ôm con trong lòng này được chia sẻ rất nhiều trên Facebook. Dòng chú thích trên đó nói rằng khỉ con bị sặc chết do khói từ cháy rừng. Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia Avinash Lodhi chụp tại Jabalpur, Ấn Độ, vào năm 2017. Theo lời tác giả, khỉ con chết không phải do sặc khói mà vì bị vấp ngã.
Hình ảnh con thỏ bị cháy xém người này cũng được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Trên thực tế, nó được nhiếp ảnh gia người Mỹ Chris Rusanowsky chụp sau một vụ cháy rừng ở California vào năm 2018.
Một hình ảnh gây ám ảnh nữa, được chia sẻ rất nhiều kèm theo dòng chú thích "Những con vật cố gắng thoát khỏi đám cháy mà ông Bolsonaro đang hình sự hóa ở Amazon". Trang Aosfatos không xác định được nguồn gốc chính xác của bức ảnh này nhưng nó đã xuất hiện trên các website ít nhất là từ năm 2016 trước khi ông Bolsonaro tiếp quản vị trí Tổng thống.