Hiện này có nhiều chị em dở khóc, dở cười khi đã dùng biện pháp đặt vòng tránh thai rồi mà vẫn mang thai ngoài ý muốn. Đây cũng chính là nỗi niềm khó nói của rất nhiều chị em.
Chuyện không biết ngỏ cùng ai
Chị Xuân kết hôn được gần 1 năm, do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị chưa muốn sinh con. Chị đã đi đặt vòng tránh thai để kế hoạch nhưng không hiểu sao được một thời gian trong người chị có dấu hiệu mệt mỏi, bị trễ kinh mất 10 ngày. “Ban đầu tôi tưởng đó là chuyện bình thường vì có thể đó là những rối loạn sau khi đi đặt vòng hoặc do chậm kinh. Sau đó, tôi đi mua que thử về thì phát hiện mình có thai”, chị Xuân cho biết.
Chị Hoa làm ngân hàng (Hà Đông – Hà Nội) có 1 con gái gần 8 tuổi vì do công việc nên chị chưa có ý định sinh con tiếp. Từ khi sinh con xong được một thời gian chị đi đặt vòng tránh thai. Yên tâm là mình đã có biện pháp tránh thai an toàn, vợ chồng chị “thả” thoái mái vì nghĩ rằng đặt vòng rồi nên không phải lo.
Một thời gian sau, thấy trong người mệt mỏi, có những biểu hiện khác thường, người mệt mỏi không muốn ăn uống gì chị đi khám chị mới bất ngờ phát hiện ra mình có bầu được 12 tuần mặc dù vòng đặt tránh thai vẫn còn trong người, chưa lấy ra. Đến lúc này chị “ngã ngửa” không biết nên vui hay buồn vì con còn bé mà cái thai trong bụng lại là con trai, chị cũng muốn giữ lại cho “đủ nếp đủ tẻ”.
Cô Nguyễn Thị Chinh, 48 tuổi (Nga Sơn-Thanh Hóa) nhớ lại cách đây 1 năm cũng “chết đứng” người khi phải đi hút thai do để dính bầu. Cô chia sẻ ở quê do điều kiện nên nhiều chị em sau khi đi đặt vòng tránh thai thì hầu hết các chị em đều không đi khám hay kiểm tra lại. Cô là một trong những trường hợp như thế, tính ra cô đặt vòng này cũng đã được 16 năm rồi. Chỉ đến khi thấy chậm kinh cô mới nghĩ đến vì bình thường kinh rất đều. Sau khi làm thủ thuật hút thai, cô Chinh được bác sĩ tư vấn về chế độ chăm sóc sức khỏe và dặn sau đó đến đặt vòng lại vì cái vòng này đã quá hạn.
Rất nhiều phụ nữ đã đặt vòng rồi nhưng vẫn có thai ngoài ý muốn mà không biết nguyên nhân do đâu. Theo bác sĩ sản khoa Cao Phương Thảo, tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội, nguyên nhân việc đặt vòng mà vẫn có thai có thể do: vòng bị rơi ra mà không biết, vòng bị biến dạng làm mất đi tác dụng của vòng tránh thai… nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tuột vòng.
Hiện này có nhiều chị em dở khóc, dở cười khi đã dùng biện pháp đặt vòng tránh thai rồi mà vẫn mang thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa |
Chị em cần kiểm tra đặt vòng tránh thai định kỳ
Theo bác sĩ Thảo - Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội thì hiệu quả của biện pháp tránh thai này đạt từ 95 – 98%, vì thế, khả năng có thai ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra.
Vòng tránh thai là một vật rất nhỏ được chế tác từ nhựa, kim loại, được đặt trong tử cung có thể ngăn chặn tinh trùng và trứng hợp vào nhau. Bác sỹ thông qua âm đạo đẩy vòng tránh thai vào trong tử cung. Vòng được đưa vào tử cung vẫn có thể tuột ra, vì vòng là một loại dị vật khi đưa vào cơ thể. Do vậy, sau khi đặt vòng trong những tháng đầu rất dễ xảy ra các phản ứng do chưa thích ứng nên dẫn đến hiện tượng tuột vòng. Nếu vòng không bị tuột thì sau đó tử cung sẽ dần dần thích ứng.
Tuy nhiên những trường hợp đặt vòng tránh thai rồi vẫn mang thai ngoài ý muốn có thể do nhiều nguyên nhân. Thông thường, tỉ lệ tuột vòng chỉ chiếm từ 1-14%.
Do kỹ thuật đặt vòng không đúng có nhiều phụ nữ sau khi sinh non, tử cung thường rất to, hoặc trong thời kỳ cho con bú chưa xuất hiện kinh nguyệt trở lại nên tử cung rất nhỏ. Tử cung quá to hoặc quá nhỏ đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tuột vòng. Hay do sa tử cung, cổ tử cung bị tổn thương nên khi đặt vòng cũng dễ bị tuột. Đôi khi lại là kích thước vòng và kích thước tử cung không phù hợp, có nhiều loại vòng như vòng rỗng thì chất lượng kém, vòng hỗn hợp nhựa kim loại dễ bị tuột, vòng kim loại có chất lượng mềm nên cũng dễ bị tuột…
BS Thảo nhấn mạnh để tránh tuột vòng sau đặt vòng, chị em nên nghỉ ngơi ít nhất một vài ngày tùy từng điều kiện mỗi người và tránh làm việc nặng trong vòng một tuần . Đồng thời phải đi khám lại định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa theo sự chỉ định của các bác sĩ chuyên môn. Thông thường sau khi đặt vòng một tháng, sau khi hết kinh nguyệt nên đến bệnh viện kiểm tra lần đầu và 3 tháng sau nên tái khám lần nữa. Sau đó cách 1 - 2 năm đi kiểm tra lại.
Trước khi đặt vòng, chị em cần được khám phụ khoa để nếu có viêm nhiễm thì chữa khỏi trước. Nếu trong thời gian mang vòng mà thấy có triệu trứng viêm nhiễm như dịch âm đạo vàng, xanh, ra nhiều, mùi hôi khó chịu, âm hộ ngứa ngáy, bạn hãy đi khám ngay để được chữa trị. Khi điều trị, cán bộ y tế có thể tạm tháo vòng, trong thời gian đó, bạn hãy sử dụng một biện pháp tránh thai khác.
Đối với những chị em phụ nữ đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục,viêm cổ tử cung, dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung… Thì nhất thiết không được đặt vòng tránh thai.
Theo Trí Thức Trẻ