Tin mới

"Chị cả" trong trại giam mở trường mầm non sau khi ra tù

Thứ ba, 08/03/2016, 15:39 (GMT+7)

Bỗng mất tất cả chỉ vì một lần hám lợi tiền bạc, cuộc sống của chị tưởng như đã chấm hết. Thế nhưng, không nản chí, từ hai bàn tay trắng chị đã lập nghiệp thành công.

Bỗng mất tất cả chỉ vì một lần hám lợi tiền bạc, cuộc sống của chị tưởng như đã chấm hết. Thế nhưng, không nản chí, từ hai bàn tay trắng chị đã lập nghiệp thành công.

Vào tù chỉ vì 200 nghìn

Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Lệ Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục Lệ Thanh tại tổ 6, phường Đồng Quang, tp Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên không quản ngại gian khó làm lên từ hai bàn tay trắng sau cú vấp ngã đầu đời khiến ai cũng hết lời ca ngợi.

Tiếp chúng tôi tại ngôi trường mầm non của mình khi các cháu nhỏ đang ngủ giữa trưa, chị Thanh nhỏ nhẹ kể cho chúng tôi nghe về ngôi trường trên này. Sau một hồi nói chuyện, chị bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời quá khứ mang tội lỗi của chị.

Theo lời chị kể thì năm 1979, chị tốt nghiệp trường Sư phạm mầm non Thái Nguyên với tấm bằng trong tay và luôn quyết tâm là sẽ làm giàu bằng chính đôi tay của mình, bằng chính cái nghề dạy trẻ mà cô đã 4 năm đèn sách và bỏ bao tâm huyết.

Khi ra trường, chị được bổ nhiệm làm giáo viên dạy mầm non tại một trường trong nhà máy giấy địa phương. Bằng sự nỗ lực của bản thân, ngày 30/12/1982, sau 2 năm công tác, chị được tín nhiệm trở thành Cụm trưởng cụm mầm non phía Bắc thành phố Thái Nguyên. Rồi sau đó 8 năm sau đó, chị trở thành Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng trường mầm non Quan Triều, TP Thái Nguyên.

“Khi ấy tôi vui mừng biết bao, và nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ bình yên, gia đình ai cũng vui vì mình đã thành đạt và bản thân tôi lúc đó chỉ nghĩ sẽ phải cố gắng hơn nữa”, chị Thanh kể lại.

Chị Thanh cho phóng viên xem hồ sơ xin gia nhập ĐCSVN

”Những tưởng cuộc đời sẽ suôn sẻ êm đềm trôi đi trong yên bình thì xảy ra bước ngoặt lớn. Chỉ trong nháy mắt từ con người thành đạt giỏi giang chị đã trở thành con người mang trọng tội. Giọng trầm buồn, chị kể: “Tối hôm đó là vào khoảng tháng 12/1994, trời rét căm căm, tôi dẫn 2 cháu ra đầu đường mua ngô sau đó về nhà bà ngoại, trên đường đi thì một người thanh niên đội mũ, dáng người khắc khổ tiến lại gần. Lúc đầu tôi nghĩ anh này có ý định gì, đang định phòng vệ hay hô lên thì người đó đã đến nhờ tôi cầm một gói nhỏ sang bên kia đường và hứa sẽ cho tôi số tiền là 200 nghìn. Thời điểm đó, 200 nghìn là một số tiền không nhỏ, một chút tham lam nổi lên cộng với sự mất cảnh giác trước thủ đoạn của bọn tội phạm tôi đã đồng ý.

Tuy nhiên, khi đi được môt đoạn thì chị bị công an kiểm tra và bắt giữ, lúc này gã thanh niên kia cũng mất hút trong màn đêm. Qua kiểm tra gói nilon đó, lực lượng công an đã thu giữ 9,2 gam ma túy dạng bột. Chỉ vì tin người và mất cảnh giác nên nên vướng vào cản “tình ngay, lý gian”.

Phiên tòa diễn ra vào tháng 8/1996, chị bị kết án một năm tù giam về tội tàng trữ ma túy và phải bị 36 tháng quản chế. Chỉ vì lòng tham tiền và cả tin khi tin môt người đàn ông không quen biết.

Cuộc đời của chị, bao nhiêu ước mơ hoài bão về cuộc sống gia đình hạnh phúc bỗng đã mất tất cả, trước mắt chị giờ chỉ còn là những mảng đen tối có lẽ sẽ không có lối thoát. Nước mắt chị khi đó đã tuôn xuống rất nhiều, chị rất hối hận về hành động chị đã làm.

Khi nhớ về những tháng ngày tủi nhục trong trại, chị đã hiểu ra rất nhiều điều. Khi đó, hằng đêm, mà đêm bao phủ khi mọi vật xung quanh trở nên tĩnh lặng, chị lại nhớ về gia đình, nhớ về cô con gái nhỏ bé bỏng. Đã có những lúc chị bật dậy, thở hổn hển vì trong mơ, chị thấy con gái đang lê lết ăn xin.

“Đầu tóc tôi dựng ngược, da nhợt nhạt, 2 mắt thâm cuồng vì cả tháng tôi không tài nào ngủ được. Tôi nhớ gia đình, nhớ đứa con khi ấy đã thiếu hơi ấm và tình thương chăm sóc của mẹ. Nhớ lại cảnh đó, tôi không sao kìm được nước mắt”, chị Thanh chia sẻ.

Bắt đầu cuộc sống trong trại giam, chị cho rằng biết đó là một xã hội thu nhỏ với đầy những vui buồn. Nhập trại khi đã bước quá tuổi 30, chị được coi là những người nhiều tuổi nhất trong trại. Từ những người ghét nhau thì lại coi nhau là bạn.

Chị kể cho chúng tôi nghe về một phạm nhân khác trong trại giam lúc bấy giờ tên là Trung “còi”, vốn là dân anh chị người Sơn La, nhập khám vì tội giết người với cái án 17 năm. Khi ấy nhìn Trung người ta đã thấy toát lên khí chất của một kẻ bất cần đời với những hình xăm kín từ đầu đến chân. Nhưng bằng sự giản dị và gần gũi, chị được Trung rất quý mến. Trung hứa sau khi ra trại thì người đầu tiên anh ta tới thăm là chị. Nhưng từ đó đến nay vẫn biệt tăm tích.

 

Chị Thanh trong lần họp mặt với những cựu tù.

 

Làm hồ sơ xin vào Đảng

Sau những năm tháng chấp hành án phạt đã qua, chị Thanh được trả tự do trước thời hạn 7 tháng vì chấp hành tốt nội quy của trại giam. Về đến nhà, việc đầu tiên chị làm là sang gặp cha mẹ. Hai mẹ con gặp nhau trong niềm vui sướng vô bờ, gia đình đoàn tụ mừng mừng tủi tủi.

Khi quay trở về ngôi nhà, thì mọi thứ chẳng còn gì, tài sản bị niêm phong, giờ đây chị lại phải đối mặt với khó khăn cơm áo gạo tiền và những ánh mắt dò xét, dị nghị của hàng xóm, láng giềng. Với quyết tâm làm lại từ 2 bàn tay trắng, chị bắt đầu tìm kiếm cơ hội cho chính bản thân mình để nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Vẫn mang trong mình cái nghề mầm non, yêu trẻ tha thiết, trong đầu chị lúc này nghĩ rằng vùng cao thiếu rất nhiều giáo viên nên chị đã xin nộp hồ sơ vào trường mầm non Na Rì, Bắc Kạn, nhưng bị trả lại hồ sơ. Không chán nản, chị bắt đầu xoay sang đủ nghề, từ bán hàng đến bán đậu phụ, thậm chí là đóng than tổ ong để mang đi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Thế rồi, cơ hội cũng đã đến khi năm 2001, thông tư của Chính phủ về việc chi trả BHXH cho nhũng người tù được ban hành. Chị nhận được một khoản vốn kha khá để tiếp tục thực hiện ước mơ còn bỏ dở của mình. Với số vốn trong tay, chị bắt đầu bằng việc lập ra một cơ sở trường mầm non nhỏ với nhận 3 cháu vào dạy học. Ban đầu, chị định lấy tên là Trường mầm non Hoa Sim, sau đó, chị quyết định lấy tên trường Mầm non Tư thục Lệ Thanh.

Từ số lượng ban đầu chỉ có ba cháu, đến nay con số đã lên tời 300 cháu, và điều đáng nói hơn đây là trường mầm non tư thục đầu tiên trên địa bàn. Nhắc về chuyện chị làm đơn xin gia nhập ĐCSVN, chị tâm sự: “Đảng là nơi tập hợp những con người ưu tú. Nhắc tới Đảng viên là minh chứng rõ ràng nhất cho tư cách con người nên ước mơ vào Đảng luôn bỏng cháy trong con người tôi”.

Chị được xóa án tích vào năm 2002 và liên tục nhận được bằng khen, giấy khen của các bộ , ban, nghành. Chị còn nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo về kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, việc vào Đảng của chị đang được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn THị Minh Hiền, bí thư đảng ủy phường Đồng Quang cho biết, hồ sơ xin gia nhập ĐCSVN của chị Thanh đã được gửi cho ban tổ chức thành phố, mọi việc đang được điều tra, xem xét.

Ngọc An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news