Chi tiết mức phí bằng lái xe tất cả các hạng từ ngày 1/8/2023
Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày 7/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Theo đó, từ ngày 1/8/2023, mức phí sát hạch lái xe sẽ tăng lên so với quy định hiện hành.
Mức phí thi bằng lái xe A1, A2, A3, A4 từ ngày 01/8/2023:
- Sát hạch lý thuyết là 60.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ là 40.000 đồng/lần.
- Sát hạch thực hành là 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so mức cũ 50.000 đồng/lần.
Mức phí thi bằng lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F từ ngày 1/8/2023:
- Sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần.
- Sát hạch thực hành trong hình là 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần.
- Sát hạch thực hành trên đường giao thông là 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần.
- Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 100.000 đồng/lần.
Bằng lái xe A1, B1 và B2 cấp cho loại xe nào?
Căn cứ quy định tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì bằng lái xe A1, B1 và B2 cấp cho loại xe sau đây:
- Bằng lái xe A1 cấp cho:
+ Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
+ Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
- Bằng lái xe B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Ô tô dùng cho người khuyết tật.
- Bằng lái xe B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
- Bằng lái xe B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
+ Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
+ Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Bằng lái xe A1, B1 và B2 có thời hạn bao lâu?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì thời hạn của bằng lái xe A1, B1 và B2 như sau:
- Bằng lái xe hạng A1 không có thời hạn.
- Bằng lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
- Bằng lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Bao nhiêu tuổi mới được thi bằng lái xe A1, B1 và B2?
Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy: Người từ đủ 18 tuổi trở lên thì được thi bằng lái xe A1, B1 và B2.