Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật với kiến trúc lộng lẫy, độc đáo, là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc đó.
Tháp Chăm, chùa Khmer ở làng Đồng Mô (Sơ Tây, Hà Nội), là những công trình được phục dựng nguyên mẫu theo ngôi chùa K’Leang và tháp Po Klong. Được xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, 2 công trình này được coi là điểm nhấn ấn tượng, với kiến trúc mang đậm dấu ấn dân tộc Chăm và Khmer.
Trong không gian rộng khoảng 0,8ha, quần thể chùa Khmer gồm có chính điện, am thờ, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen.
Quần thể chùa lấy Chính điện làm trung tâm, các công trình khác được bố trí xung quanh và liên kết với nhau bằng đường nội bộ. Ngoài ra, Khu còn có hệ thống các đường dạo len lỏi giữa vườn cây.
Mỗi công trình nằm ở các cao độ khác nhau và liên hệ với nhau thông qua một hệ hành lang được lát đá thô hòa nhập với cảnh quan xung quanh.
Làng dân tộc Khmer được thiết kế nhằm tái hiện các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần, tập quán lao động của dân tộc Khmer, lấy điển hình mẫu là Làng dân tộc Khmer sinh sống tại tỉnh Sóc Trăng.
Cũng như chùa Khmer, tháp Chăm là biểu tượng của nền văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm. Với diện tích 4.000 m2, khu đền tháp Chăm được xây dựng tại khu Làng III của Làng Văn hóa Đồng Mô, là điểm nhấn ấn tượng, với lối kiến trúc mô phỏng theo tổng thể nhóm tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận).
Quần thể tháp gồm có, Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20 m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8 m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9 m.